Xuất khẩu lao động thời COVID

07:41, 10/09/2021

Đại dịch COVID-19 khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới phải “đóng cửa” hoạt động nhập cảnh. Việc nhập cảnh cho lao động xuất khẩu (LĐXK) Việt Nam đến các thị trường lao động ngoài nước trở nên khó khăn hơn. Nhiều người lao động (NLĐ) sau học nghề, học tiếng và hoàn thiện các thủ tục xuất cảnh đành chấp nhận lui thời gian, chờ đợi cơ hội ra nước ngoài làm việc khi tình hình ổn định trở lại.

Việc NLĐ không được xuất cảnh gây thiệt hại lớn cho các đơn vị XKLĐ và NLĐ. Chỉ ít năm trước đây, tham gia XKLĐ được ví như cứu cánh, không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn là cơ hội làm giàu của khá nhiều người. Điều không thể phủ nhận là XKLĐ có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Nhiều gia đình thoát nghèo nhờ có người đi XKLĐ.

Nhưng kể từ cuối năm 2019, đại dịch COVID - 19 bắt đầu xuất hiện và phát tán khắp thế giới. Để an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, hầu hết các nước “bế quan tỏa cảng”, các sân bay, bến tàu quốc tế gần như ngừng hoạt động. Những thị trường lao động truyền thống của Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… hiện ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Theo đó là các công công ty, doanh nghiệp dịch vụ đưa người đi XKLĐ phải tạm dừng đào tạo, tuyển chọn lao động.

Việc XKLĐ khó khăn gây nên nhiều thiệt hại trong phát triển kinh tế chung của tỉnh. Bản thân NLĐ trực tiếp gánh chịu thiệt thòi vì đã nộp phí học tiếng, học nghề và chi phí cho các thủ tục pháp lý khác.

Chị Hoàng Thị Nga ở phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) cho biết: Để có tiền học tiếng, học nghề đi Nhật Bản làm việc, bố mẹ tôi phải mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp với ngân hàng vay vốn. Dự kiến đi 3 năm, thì sau 1 năm đủ tiền gửi về cho bố mẹ trả nợ, 2  năm còn lại là tiền tích lũy mang về lấy vốn làm ăn. Nhưng vì đại dịch mà tôi cũng như nhiều người khác phải tiếp tục chờ đợi. Tôi lo vì mỗi ngày thức dậy thì số tiền vay lãi ngân hàng một nhiều lên.

Nhiều gia đình ở phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) có con em đi xuất khẩu lao động trở về xây dựng được nhà ở khang trang.

Nhiều gia đình ở phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) có con em đi xuất khẩu lao động trở về xây dựng được nhà ở khang trang.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Phòng Chính sách lao động (Sở Lao động - TBXH) cho biết: Trong bối cảnh dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp, thị trường lao động ở các nước phải từng bước khắc phục, thích nghi, chính vì thế, Chính phủ, Bộ Lao động - TBXH và tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc theo kế hoạch, đồng thời bảo đảm an toàn cao nhất cho NLĐ.

Sở cũng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tham gia lĩnh vực XKLĐ trên địa bàn phải thực hiện nghiêm những biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của Chính phủ, của Bộ Y tế và chính quyền địa phương.

Cụ thể như các hoạt động tư vấn, tuyển chọn, đào tạo nhân lực tham gia XKLĐ. Khi tổ chức cho NLĐ xuất cảnh, doanh nghiệp phải tuân thủ tuyệt đối các quy định, quy chế về phòng, chống dịch; quán triệt NLĐ chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước tiếp nhận lao động.

Kết quả, 8 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có hơn 600 NLĐ xuất cảnh đi làm việc tại nước ngoài, tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm 2020.

XKLĐ đang nỗ lực vượt khó, bởi đây là một trong các giải pháp tích cực trong mục tiêu giải quyết việc làm của tỉnh. Một tin vui đối với những người có nhu cầu XKLĐ: Năm nay, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - TBXH) đã có đổi mới trong quản lý, tuyển dụng LĐXK, như việc NLĐ có thể đăng ký trực tuyến; hoặc nộp hồ sơ đăng ký qua đường bưu điện và thi tiếng trên máy tính. Đây là giải pháp phù hợp trong trong bối cảnh xã hội đang từng bước thích nghi, chung sống với dịch COVID - 19.

Chúng tôi được biết thêm: Hiện Thái Nguyên có hơn 6.000 NLĐ đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó 152 người ở Hàn Quốc, hơn 2.100 người ở Nhật Bản, hơn 3.800 người ở Đài Loan, hơn 350 người ở các nước Trung Đông, hơn 300 người ở Malaysia và thị trường lao động khác. Đây là kết quả công tác giải quyết việc làm qua xuất khẩu lao động của tỉnh trong những năm gần đây.

Nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng, đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ, hằng năm, Sở Lao động - TBXH chủ động phối hợp cùng các cơ quan chức năng liên quan, tổ chức tuyên truyền, phổ biến những nội dung về bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài; về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài" và các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài".

Ông Long cho biết thêm: Sở cũng đã chủ động lồng ghép trong các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động; các buổi truyền thông triển khai Chương trình việc làm của tỉnh đến NLĐ; ban hành các văn bản yêu cầu doanh nghiệp khi tuyển chọn lao động trên địa bàn, trước khi xuất cảnh cần nghiêm chỉnh chấp hành tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ. Chỉ những lao động đã tham gia đầy đủ khóa học và có bài kiểm tra cuối khóa đạt yêu cầu mới được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết. Khi đó NLĐ mới đủ điều kiện ra nước ngoài làm việc.