Vừa qua, nhiều phụ huynh học sinh của các trường trên địa bàn huyện Định Hóa đưa ra ý kiến về việc triển khai chi trả các khoản an sinh xã hội cho học sinh là đối tượng chính sách, thông qua thẻ ngân hàng là ép buộc, gây khó khăn cho việc nhận các khoản này. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là một chủ trương đúng, thuận theo chỉ đạo, kế hoạch chuyển đổi số đang được huyện Định Hóa tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện.
Giữa tháng 7 vừa qua, UBND huyện Định Hóa chỉ đạo triển khai Kế hoạch 148/KH-UBND về việc thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện nước, học phí, viện phí và chi trả các khoản thuộc chương trình an sinh xã hội, giai đoạn 2021-2025.
Triển khai kế hoạch trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hóa đã có Công văn số 417/GDĐT-KTTV về việc thanh toán qua ngân hàng đối với các đơn vị trường học. Theo đó, Phòng yêu cầu 69 trường học trên địa bàn xây dựng kế hoạch thu tiền học phí và các khoản thu khác không dùng tiền mặt, phấn đấu đến năm 2025 đạt 80% trở lên các khoản thu không dùng tiền mặt.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hóa khẳng định: Đối với các khoản chi trả an sinh xã hội, các trường học khuyến khích chứ không bắt buộc phụ huynh mở tài khoản ngân hàng, để thực hiện thanh toán các chế độ chính sách như một số phụ huynh ý kiến. Phòng cũng yêu cầu các trường học được giao quản lý tạo điều kiện thuận lợi, thực hiện chi trả an sinh xã hội theo hình thức mà phụ huynh học sinh dễ tiếp cận nhất. Bên cạnh việc chi trả theo hình thức cũ, Phòng cũng yêu cầu các trường tuyên truyền đến phụ huynh học sinh về lợi ích, quy trình, thủ tục thanh toán không dùng tiền mặt, các chương trình, chế độ ưu đãi đối cho phụ huynh khi mở tài khoản thanh toán, như: Miễn phí quản lý tài khoản năm đầu tiên; miễn phí phát hành thẻ; miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống từ tài khoản thanh toán…
Cũng có nhiều ý kiến của phụ huynh trên địa bàn huyện cho rằng các trường bắt buộc phụ huynh học sinh sử dụng thẻ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) mới có thể thực hiện giao dịch với nhà trường là hoàn toàn không chính xác.
Đơn cử như tại Trường Mầm non Trung Hội, việc thanh toán qua thẻ hiện nay không bắt buộc phải sử dụng Ngân hàng Agribank như một số người dân phản ánh, mà phụ huynh học sinh có thể sử dụng bất cứ ngân hàng nào để nhận tiền chi trả cho các em trong diện được hưởng chế độ chính sách, đóng tiền học phí, tiền ăn bán trú…
Cô giáo Ma Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Hội cho biết: Việc sử dụng tài khoản Ngân hàng Agribank được các trường khuyến khích với lý do đồng bộ tài khoản trong một ngân hàng sẽ thuận lợi cho việc thanh, quyết toán các khoản này, giúp giảm thời gian, thủ tục cho cán bộ, giáo viên. Tuy nhiên, phụ huynh có thể sử dụng tài khoản của bất cứ ngân hàng nào để nhận các khoản chi trả an sinh xã hội.
Được biết, ngành Giáo dục huyện Định Hóa đang thực hiện chi trả các khoản an sinh xã hội cho trên 7.000 em học sinh với tổng số tiền khoảng 8,5 tỷ đồng/năm. Cùng với chi trả, hằng năm, ngành Giáo dục cũng thu các khoản như: Học phí; tiền ăn, chăm sóc bán trú; bảo hiểm y tế học sinh; nước uống… của gần 19.000 học sinh với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng.
Đây là khoản tiền lớn, nếu không được kiểm soát chặt sẽ có nhiều rủi ro đối với cả nhà trường và phụ huynh học sinh trong quá trình giao dịch… Vì vậy, sử dụng tài khoản ngân hàng để chi trả chế độ chính sách và đóng các khoản tiền trong nhà trường không những đem lại sự minh bạch, tiết kiệm thời gian cho nhà trường, phụ huynh học sinh mà còn góp phần thực hiện tốt việc chuyển đổi số.