Từ ngày 19-10, Thái Nguyên bắt đầu thực hiện biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn. Mặc dù cuộc sống và các hoạt động đã quay trở lại trạng thái bình thường mới nhưng người dân không nên chủ quan lơ là, bởi việc lây nhiễm trong cộng đồng vẫn tiềm ẩn và có thể bùng phát bất cứ khi nào.
Sau 4 đợt bùng phát dịch COVID-19 trong cả nước, đến nay, Thái Nguyên cơ bản vẫn kiểm soát được dịch. Cuộc sống của người dân đã quay trở về trạng thái bình thường mới. Theo quan sát của chúng tôi, phần lớn người dân, cơ sở kinh doanh đều có ý thức trong việc phòng, chống dịch. Các nhà hàng, quán ăn, dịch vụ giải khát cơ bản thực hiện tốt yêu cầu phòng, chống dịch của Bộ Y tế, như: Đảm bảo giãn cách, khai báo y tế, quét mã QR…
Chị Đào Minh Diệp, chủ một cửa hàng bán đồ ăn vặt vỉa hè tại khu chợ Sư phạm (T.P Thái Nguyên) cho biết: Ngày 19-10, khi tỉnh cho phép hàng quán vỉa được hoạt động bình thường trở lại, tôi rất mừng. Để đảm bảo an toàn cho cửa hàng và thực khách, chúng tôi tuyệt đối tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch.
Theo chị Diệp, đây là điều “sống còn” của người làm kinh doanh. Bởi nếu thả lỏng, bất cẩn trong hoạt động sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh của cửa hàng chị và những người xung quanh.
Có cùng suy nghĩ như chị Diệp, anh Nguyễn Văn Hùng, chủ quản phở trên đường Ga (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Một trong những tiêu chí hàng đầu của quán là phải đảm bảo tốt quy trình phòng, chống dịch. Bất cứ ai đến quán, chúng tôi đều yêu cầu rửa tay sát khuẩn, quét mã QR, ngồi giãn cách và hàng quán bố trí vách ngăn.
Tuy nhiên, bên cạnh xu hướng tích cực ấy, tâm lý chủ quan, lơ là, chưa chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là yêu cầu 5K vẫn xuất hiện trong một bộ phận người dân, cửa hàng kinh doanh, dịch vụ…
Đơn cử như khu vực cổng Trường Đại học Sư Phạm (Đại học Thái Nguyên), theo khảo sát của phóng viên, sáng 20-10, các quán trà đá vỉa hè vẫn đông lượng khách đến ngồi tập trung, không tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch. Các hàng quán này chỉ bày một vài chiếc ghế để tiện “tẩu tán” khi lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát.
Hay như quán Cafe Đầm Xanh, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên), mặc dù đã dán sẵn các bảng mã QR nhằm giúp khách hàng khai báo y tế, nhưng hầu hết khách hàng đều bỏ qua.
Còn ở khu vực chợ Ga Thái Nguyên, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), bà Nguyễn Thị Lanh bán rau ở góc chợ không còn thói quen đeo khẩu trang như trước. Khi được người mua hàng nhắc, bà kéo vành cổ chiếc áo phông che được nửa miệng và nói: Dịch không đến Thái Nguyên đâu chú ạ…
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng: Cuộc sống quay trở về trạng thái bình thường mới nhưng nguy cơ nhiễm dịch vẫn rất cao, do đó người dân phải tự giác, nâng cao ý thức trong mọi hoạt động. Bởi có những ca mắc COVID-19 không có triệu chứng, cho nên phải thực hiện tốt biện pháp 5K. Đặc biệt, người ho, sốt phải đi xét nghiệm ngay để phát hiện kịp thời, không để lây nhiễm ra cộng đồng.
Có thể nói, "mở cửa" không có nghĩa là "thả cửa" nên các hoạt động cũng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ của các cấp, ngành để phòng ngừa dịch bệnh. Nới lỏng không đi kèm kiểm soát sẽ khiến cho thành quả của thời gian chống dịch vừa qua có nguy cơ trở về con số 0. Do vậy, dù nhịp sống đã trở về trạng thái “bình thường mới”, mỗi người dân cũng không được chủ quan, lơ là