Hiện đang là thời điểm mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy, nổ ở mức cao. Chính vì vậy, việc chủ động các điều kiện chữa cháy, nhất là nguồn nước có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do hỏa hoạn gây ra.
Nước phục vụ chữa cháy được lực lượng chức năng lấy từ 3 nguồn chính, gồm: Các ao, hồ, sông, suối, kênh tự nhiên; trụ cấp nước chữa cháy (ở các khu công nghiệp, khu đô thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh) và ao, hồ nhân tạo, nhà dân. Khảo sát tại một số khu công nghiệp và khu đô thị mới của tỉnh cho thấy, hiện nay, các trụ lấy nước phục vụ chữa cháy được lắp đặt khá đồng bộ, nguồn cung cấp nước bảo đảm.
Đại diện Ban Quản lý Khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên) thông tin: Chúng tôi có phương án thiết kế và lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ngay từ khi bắt đầu xây dựng hạ tầng khu công nghiệp. Các bản thiết kế và phương án kỹ thuật đều đã được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt. Nhờ chủ động thiết kế phương án phòng cháy ngay từ ban đầu và tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa nên đến nay, trong khu công nghiệp chưa phát sinh vụ cháy nào trong khu vực sản xuất của các nhà máy.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 326 trụ nước chữa cháy được bố trí tại các đô thị, khu công nghiệp. Trong đó, 237 trụ nước tại các huyện, thành phố, thị xã do Công ty CP nước sạch Thái Nguyên quản lý; 89 trụ nước do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và Ban Quản lý Khu công nghiệp Yên Bình quản lý; 4 bể nước chữa cháy có quy mô 200m3. Để đánh giá đúng thực trạng nguồn nước phục vụ chữa cháy, mới đây, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai khảo sát lại toàn bộ các trụ nước, bể nước, bến lấy nước; nguồn nước tự nhiên và hệ thống giao thông phục vụ chữa cháy.
Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động của một trụ lấy nước phục vụ công tác chữa cháy.
Theo đánh giá sơ bộ, nguồn nước tại các khu công nghiệp, khu đô thị mới cơ bản đáp ứng; các trụ nước được xây dựng mới bảo đảm chất lượng và khoảng cách từ 120-150m theo quy định. Tuy nhiên, điểm hạn chế là một số trụ nước hiện đã xuống cấp nhưng chưa bố trí được kinh phí duy tu, bảo dưỡng khiến việc vận hành gặp khó khăn; nguồn nước yếu về đêm không được tăng áp lực khi có cháy, nổ xảy ra.
Đặc biệt, trong số các bể nước chữa cháy thì có một bể tại khu vực quảng trường Võ Nguyên Giáp (T.P Thái Nguyên) xe chữa cháy không thể tiếp cận để hút nước, một bể không hoạt động. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện cũng chưa xây dựng được bến, cầu lấy nước phục vụ chữa cháy ở những khu vực tập trung đông dân cư hoặc có nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ. Nguồn nước chữa cháy ở khu vực nông thôn, miền núi chủ yếu dựa vào tự nhiên là các ao, hồ, sông, suối… nên việc tiếp cận các nguồn này để lấy nước gặp nhiều khó khăn do địa hình, đường đi phức tạp.
Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh cho biết: Để đáp ứng yêu cầu thực tế công tác chữa cháy trên địa bàn toàn tỉnh, lực lượng Công an đã tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm túc các quy định về PCCC. Mới nhất là phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, bổ sung Quy hoạch hạ tầng PCCC vào quy hoạch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá thực trạng, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ cũng kịp thời hướng dẫn các đơn vị, cơ sở khắc phục sơ hở, thiếu sót, bất cập về nguồn nước phục vụ chữa cháy; tuyên truyền đến các cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư, tổ dân phố nhằm nâng cao ý thức tự giác của cộng đồng trong việc tham gia giữ gìn, bảo vệ nguồn nước phục vụ công tác cứu hỏa. Đồng thời, đề xuất xây dựng, lắp đặt bổ sung các trụ nước chữa cháy, bể nước dự trữ, các bến, bãi đỗ, hố ga thu nước… để phục vụ công tác chữa cháy trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.