Ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép

12:23, 17/11/2021

Thời gian qua, tình trạng xuất cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, chủ yếu là người dân sang Trung Quốc tìm kiếm việc làm theo thời vụ. Điều này đã gây nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

Kết quả rà soát cho thấy, trong giai đoạn 2018-2020, tỉnh Thái Nguyên có 7.149 người xuất cảnh bất hợp pháp; trong đó có 796 trường hợp bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt, trao trả. Tính đến tháng 10-2021, toàn tỉnh có gần 4.000 công dân vắng mặt ở địa phương, nghi là ở lại nước ngoài bất hợp pháp.

Đại tá Nguyễn Công Đốm, Trưởng Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh, nhấn mạnh: Tình trạng công dân xuất cảnh trái phép diễn ra tập trung ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khu vực này trình độ văn hoá và hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế nhất định. Phần lớn là sang Trung Quốc làm thuê do thiếu việc làm, thu nhập thấp, không ổn định, nhất là thời điểm nông nhàn.

Huyện Đồng Hỷ là một trong những địa phương có nhiều lao động xuất cảnh trái phép. Số liệu rà soát từ năm 2018 tới nay là hơn 2.000 trường hợp. Trung tá Đinh Thanh Cường, Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Đồng Hỷ, cho biết: Người lao động xuất cảnh “chui” sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nguyên nhân là không được pháp luật bảo hộ; phải lẩn trốn sự truy bắt của lực lượng chức năng nước sở tại. Cùng với đó là điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, thời gian và cường độ làm việc cao. Có không ít trường hợp bị chủ lao động quỵt tiền công; chiếm đoạt tiền, tài sản hoặc phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ bị ép làm gái mại dâm. Khi không may bị thương hoặc tai nạn mất mạng thì hầu như không được hưởng bất cứ quyền lợi gì. Thực tế trong năm 2020, có một công dân ở xóm Ba Đình, xã Tân Long (Đồng Hỷ), bị chết tại Trung Quốc nhưng đến nay vẫn chưa đưa được thi thể về nước.

Đối với huyện Phú Bình, dù không phải là điểm nóng nhưng 2 năm trở lại đây cũng có 89 trường hợp xuất cảnh trái phép (12 người bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính). Ngoài ra còn có khoảng 100 trường vắng mặt ở địa phương lâu ngày, được cho là đang cư trú bất hợp pháp tại Trung Quốc.

Thượng tá Phí Thanh Hải, Phó Trưởng Công an huyện Phú Bình đánh giá: Thời gian gần đây, tình trạng xuất cảnh trái phép của người dân Phú Bình có chiều hướng giảm. Nguyên nhân là do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và việc quản lý biên giới chặt chẽ hơn. Cùng với đó là sự phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Để từng bước hạn chế lao động xuất cảnh trái phép, song song với công tác đấu tranh, triệt phá các đường dây đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân về lĩnh vực này.

Nội dung tuyên truyền nhấn mạnh các nguy cơ công dân phải đối mặt khi xuất cảnh trái phép với dẫn chứng cụ thể; các thủ đoạn lôi kéo đi lao động “chui”. Đồng thời, lực lượng công an cấp xã tăng cường gặp gỡ, gọi hỏi, răn đe kết hợp với tuyên truyền, vận động các trường hợp xuất cảnh trái phép trở về địa phương; quản lý chặt chẽ dữ liệu dân cư để kịp thời phát hiện các trường hợp xuất cảnh trái phép để có biện pháp xử lý.

Thực tế cho thấy, hầu hết lao động xuất cảnh trái phép xuất phát từ điều kiện kinh tế khó khăn, muốn tìm kiếm việc làm để có thêm thu nhập. Do vậy, để giải quyết dứt điểm vấn đề này thì giải pháp cốt lõi là có nhiều hơn các mô hình kinh tế phù hợp ở nông thôn; thu hút đầu tư, phát triển các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp ở địa phương, giúp lao động có thể tìm được việc làm mà không cần phải “ly hương” bất hợp pháp nơi xứ người.