Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo việc truy vết nhanh chóng, khoanh vùng chính xác, đúng đối tượng, UBND tỉnh yêu cầu số hóa việc khai báo y tế (quét QR code) đối với tất cả các cơ quan, nhà hàng, quán ăn uống, khu vui chơi giải trí…
Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi lựa chọn khảo sát riêng về cơ sở kinh doanh trên địa bàn T.P Thái Nguyên, địa phương có nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 ở thời điểm này.
Đi dọc nhiều tuyến đường chính của thành phố trong ngày 3 và 4-11, chúng tôi thấy hầu hết các điểm, cơ sở, cửa hàng, điểm kinh doanh dịch vụ (trong diện được phép hoạt động) đều thực hiện nghiêm việc tạo lập, dán mã QR tại cổng, cửa ra vào hoặc các vị trí dễ quan sát… Tuy nhiên, việc quản lý thông tin người ra, vào địa điểm bằng QR-code vẫn chưa đạt hiệu quả cao, nhiều nơi chỉ làm cho có.
Có mặt tại Siêu thị Minh Cầu 1, phường Phan Đình Phùng vào khoảng 19 giờ 55 phút tối 3-11, chúng tôi thấy có đặt 4 quyển sổ khai thông tin cá nhân, 2 vị trí dán mã QR. Tuy nhiên, trong khoảng 10 lượt người vào siêu thị thời điểm đó chỉ có 2 người thực hiện quét mã QR…
Người dân khai báo thông tin y tế trước khi vào siêu thị Minh Cầu
Khảo sát thêm tại một vài cơ sở kinh doanh khác, chúng tôi cũng thấy rất hiếm người dân quét mã QR; chủ hoặc nhân viên trong cơ sở cũng ít nhắc nhở khách hàng khai báo quét mã QR, thậm chí có 1 cơ sở kinh doanh thời trang khi phóng viên đi qua cửa cũng không hề nhắc khai báo y tế trên giấy…
Không chỉ tại các cửa hàng lớn mà các cửa hàng bán lẻ, hộ kinh doanh, đặc biệt là bán đồ ăn, nước uống đem đi… cũng hiếm người quét mã QR.
Chị Trần Thúy Năm, chủ 1 quán cơm ở xóm 10, xã Quyết Thắng, cho biết: Tôi có dán mã QR và thông báo này từ 19-10 nhưng rất ít khách quét mã. Có khách hàng viện lý do chỉ ghé qua mua hàng rồi đi, họ có bịt khẩu trang nên chúng tôi cũng không thể “ép”; có khách khi thấy chúng tôi nói phải quét mã nếu ăn tại quán, họ lại chọn mua đem về hoặc dời đi ngay. Vì vậy, để tránh mất khách, chúng tôi chỉ dán thông báo và để khách tự nguyện thực hiện…
Việc ứng dụng các nền tảng, giải pháp công nghệ, trong đó có ứng dụng quét mã QR trong phòng, chống dịch COVID-19 được các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong tỉnh quan tâm triển khai từ nhiều tháng qua. Không chỉ các cơ quan, đơn vị, khu vực công cộng mà rất nhiều cơ sở kinh doanh cũng đã được cơ quan chức năng hướng dẫn đăng ký, cấp, dãn mã QR.
Đặc biệt, trong những ngày đầu tháng 11 này, trước diễn biến phức tạp của dịch, thì việc cấp mã QR địa điểm và thực hiện khai báo y tế bằng quét mã QR được triển khai đến tận các điểm bán hàng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Nhiều người trung niên, cao tuổi sử dụng điện thoại thông minh chưa được cài đặt ứng dụng, phần mềm có quét mã QR.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến hết ngày 3-11, toàn T.P Thái Nguyên có 17.705 địa điểm đã được tạo mã QR thì riêng trong 3 ngày (1-3/11) đã tạo mã cho 5.511 địa điểm…
Tuy vậy, tổng lượt quét QR trong 3 ngày này mới chỉ đạt 41.876 lượt/17.705 địa điểm, tính trung bình mỗi địa điểm chỉ có 2,36 lượt quét. Cá biệt, một số xã như Văn Lăng, Văn Hán (Đồng Hỷ), Thanh Ninh, Hà Châu, Tân Khánh (Phú Bình), Yên Minh, Minh Tiến, Phú Lạc, Lục Ba (Đại Từ), Phượng Giao, Nghinh Tường, Thượng Nung (Võ Nhai) và 10 xã của huyện Định Hóa rơi vào tình trạng không có lượt quét nào trong ngày.
Việc khai báo y tế bằng QR-code sẽ giúp các cơ quan chức năng có thể phân tích, đánh giá tình hình liên tục, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác truy vết khi cần thiết.
Vì vậy, để việc quét mã QR thật sự đạt hiệu quả thì bên cạnh nỗ lực “phủ sóng” mã QR, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ quan, cơ sở kinh doanh, khu vực công cộng, có chế tài xử lý những cơ sở, đơn vị thực hiện kém hiệu quả.