2 năm trở lại đây, trong khi dịch COVID-19 khiến nhiều ngành nghề lao đao, thì ngược lại, thị trường bất động sản (BĐS) tại Thái Nguyên lại sôi động. Môi giới BĐS cũng trở thành nghề “hot” khi thu nhập có thể lên tới vài trăm triệu đồng chỉ trong 1 tháng. Bởi thế, không ít người bỏ nghề đang làm để đi làm môi giới nhà đất. Tuy nhiên, lực lượng đông đảo nhưng người môi giới BĐS không chuyên lại chiếm đa số, lượng người có chứng chỉ, được đào tạo rất ít…
Chưa có thời điểm nào, lượng “cò đất”, “cò nhà” trên địa bàn tỉnh bùng nổ về số lượng và hoạt động “rôm rả” như hiện nay. Những tên nhóm, hội mua bán nhà, đất có cái tên na ná như “Nhà đất Thái Nguyên 24h”; “Bất động sản Thái Nguyên”; “Hội mua bán nhà đất Thái Nguyên”; “Đất nền đầu tư Thái Nguyên”… được thành lập với hàng chục ngàn thành viên tham gia.
Chỉ cần đăng một status trên trang Facebook cá nhân, nhất là trong những hội, nhóm trên thì lập tức hàng trăm comment thi nhau “nhảy vào” mời chào, môi giới.
trong vai người mua đất, chúng tôi liên hệ với một số điện thoại bán đất trong nhóm “Nhà đất Thái Nguyên 24” (53,4 nghìn thành viên) để đi xem mảnh đất tại phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) được chào bán là “lô hoa hậu, giá F0” ngay gần cổng Tam quan, đường tròn Bắc Sơn...
Q.A – người đưa tôi đi xem đất còn khá trẻ, xinh xắn, nói năng hoạt bát. Q.A kể: Em mới làm công việc này khoảng 2-3 tháng nay. Trước em bán bảo hiểm, rồi bán hàng online, sau thấy nghề này hot thì em chuyển sang. Mỗi tháng em cũng “chốt” được vài ba lô, có tháng em thu nhập 200-300 triệu đồng.
Vẫn trong vai người mua đất, chúng tôi biết thêm nhân vật T.H trước đây công tác trong một doanh nghiệp nhà nước, sau khi xin nghỉ đã chuyển sang làm môi giới BĐS. T.H cho hay: Tôi không làm cho công ty hay sàn giao dịch BĐS nào, chủ yếu là vào thị trường rồi môi giới mua bán cho khách. Mỗi giao dịch, khách gửi tôi tiền hoa hồng theo thỏa thuận.
Hay anh L.S vốn là lao động tự do tại xã Thịnh Đức, khi thấy thị trường BĐS sôi động đã chuyển sang làm môi giới và khá thành công trong 2 năm nay. “Tất cả kinh nghiệm tôi có được là học ở trường đời chứ không tham gia khóa đào tạo nào về BĐS. Nếu được học, tôi nghĩ sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, không phải tự mày mò, hiệu quả sẽ cao hơn” - anh L.S chia sẻ.
Không riêng ở T.P Thái Nguyên, tại T.X Phổ Yên, T.P Sông Công, huyện Phú Bình cũng xuất hiện tình trạng tương tự.
Tại những khu vực có các dự án khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp, đường giao thông lớn triển khai, đâu đâu cũng thấy biển đề “bán đất” với diện tích, giá tiền đủ loại. Các địa phương này trở thành thỏi nam châm hút giới săn lùng BĐS.
Thời điểm sốt đất, nhiều người vốn làm nông nghiệp cũng trở thành các nhà môi giới, thường xuyên dẫn khách đi xem đất. Rồi một loạt các môi giới là giáo viên, nhân viên văn phòng, công chức, viên chức… cũng bỏ nghề chuyển sang làm môi giới BĐS.
Tình trạng “nhà nhà buôn đất, người người môi giới đất” khiến thị trường BĐS xảy ra tình trạng “sốt ảo”, “bong bóng” do các môi giới gây ra. Giá đất tăng cao, kéo theo đó là những hệ lụy khiến người có nhu cầu thì không đủ kinh phí để mua đất ở. Giá đất cao còn cản trở việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào các địa phương bởi chi phí đền bù giải phóng mặt bằng quá lớn …
Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Hùng, Phó Trưởng Phòng Quản lý nhà và Phát triển đô thị, Sở Xây dựng: Hiện nay, việc quản lý nghề môi giới BĐS vô cùng khó khăn do số lượng sàn giao dịch BĐS và người hành nghề môi giới BĐS tăng nhanh. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có khoảng 4.000 người tham gia hoạt động môi giới BĐS, trong đó người được cấp chứng chỉ hành nghề chưa đến 10%. Do số lượng môi giới BĐS không chuyên hoạt động theo kiểu “tay ngang”, “chụp giật”, không có chứng chỉ hành nghề, thiếu sự chuyên nghiệp, thiếu kiến thức pháp luật trong lĩnh vực BĐS nên rất dễ gây thiệt hại cho khách hàng.
Năm 2020, Sở Xây dựng tổ chức thành công kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS cho 435 người trong và ngoài tỉnh, riêng Thái Nguyên có khoảng 100 người được cấp chứng chỉ này.
Để được cấp chứng chỉ, các thí sinh phải trải qua phần thi kiến thức cơ sở và kiến thức chuyên môn, nội dung câu hỏi gồm những quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh bất động sản, giao dịch bất động sản; phần thực hành thi viết, vấn đáp hoặc trắc nghiệm, câu hỏi xoay quanh các nội dung về quy trình và kỹ năng môi giới bất động sản; giải quyết tình huống trên thực tế.
Những ngày cuối năm 2021, Sở Xây dựng có kế hoạch tổ chức kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS lần thứ 2 cho khoảng 300 đối tượng trong và ngoài tỉnh.
Để thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh phát triển lành mạnh và ổn định, theo ông Trần Ngọc Sinh, Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản TBCO thì rất cần đội ngũ môi giới BĐS chuyên nghiệp, lành nghề. Bởi Luật Kinh doanh BĐS quy định việc hành nghề môi giới BĐS phải tuân theo những quy định chặt chẽ. Trong đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS phải thành lập doanh nghiệp và phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.
Nếu cá nhân kinh doanh độc lập thì phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, có đăng ký mã số thuế và nộp thuế theo quy định pháp luật. Hơn nữa, do BĐS là lĩnh vực rất rộng và liên quan đến nhiều quy định tại các bộ luật và các quy định từ các bộ, ngành khác nhau nên người hành nghề cần được thường xuyên cập nhật, bổ sung kịp thời để tránh rủi ro. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Kinh doanh BĐS cũng cần được thường xuyên hơn…