Phòng, chống lây nhiễm trong cộng đồng: Ý thức người dân đóng vai trò quan trọng

10:32, 15/12/2021

Từ đầu tháng 12 đến nay, trên địa bàn Thái Nguyên xuất hiện nhiều mắc COVID-19 trong cộng đồng, không rõ nguồn lây. Trong đó, ngày 12-12 có 5 ca, ngày 13-12 có 6 ca. Tình trạng này đang gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng và đòi hỏi mỗi người dân phải nâng cao ý thức trong việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch.

Một trong những ca mắc COVID-19 được phát hiện trong cộng đồng khiến nhiều người lo lắng là trường hợp một phụ nữ bán hàng ăn sáng ở phường Chùa Hang (T.P Thái Nguyên). Do phải tiếp xúc với nhiều người, ca bệnh này không nhớ mình đã tiếp xúc với ai và không biết ai lây bệnh cho mình.

Hoặc một ca bệnh cộng đồng thường trú tại xã Tân Hòa (Phú Bình), làm nghề lái xe taxi, cũng không nhớ mình đã vận chuyển bao nhiêu hành khách và bị nhiễm bệnh từ ai…

Nhiều người, khi thấy cơ thể mệt mỏi, đau người, ho, sốt, đến các cơ sở khám chữa bệnh lấy mẫu xét nghiệm và nhận được kết quả dương tính đều khá bất ngờ và lo lắng vì không rõ nguồn lây.

Theo ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế: Đối với các ca bệnh không rõ nguồn lây, việc truy vết, khoanh vùng, dập dịch gặp rất nhiều khó khăn.

Có thể thấy, việc xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng, không rõ nguồn lây đang khiến cho diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh phức tạp hơn trước rất nhiều. Bởi vậy, để ngăn chặn dịch bùng phát trên diện rộng, hiện nay, các cấp, ngành chức năng đang khẩn trương truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh để khoanh vùng, xét nghiệm và phát hiện các trường hợp lây nhiễm kịp thời.

Với mong muốn hoạt động xét nghiệm, khoanh vùng được thực hiện nhanh hơn “đường đi” của dịch, ngành Y tế đã huy động lực lượng lớn cán bộ thực hiện công tác truy vết và lấy mẫu xét nghiệm. Những ngày gần đây, để phục vụ cho công tác xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2, mỗi ngày, Thái Nguyên lấy từ 2.000 đến trên 3.000 mẫu dịch hầu, dịch họng; đưa trên dưới 500 trường hợp F1 đi cách ly tập trung hoặc ra quyết định cách ly tại nhà…

Ngoài việc tiếp tục khẩn trương truy vết các trường hợp từng tiếp xúc với các ca bệnh, giải pháp quan trọng được Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh đặt ra hiện nay là yêu cầu người dân phải trung thực, chủ động khai báo với cơ quan y tế khi đi từ vùng có dịch trở về; thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch trong cưới, hỏi, đám hiếu; siết chặt quản lý người từ các vùng có dịch COVID-19, người từ các tỉnh, thành phố về tỉnh để áp dụng biện pháp quản lý, cách ly, theo dõi phù hợp. Đặc biệt là phát huy tối đa vai trò của các tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng trong việc rà soát, giám sát người về trên địa bàn dân cư cũng như phát hiện kịp thời các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ…

Trong thời điểm cả nước nói chung, Thái Nguyên nói riêng đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ thì để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch, ý thức người dân vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng.

Chị Nguyễn Thị Huyền, một tiểu thương kinh doanh tại chợ Thái nói: Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nắm được thông tin Thái Nguyên đã xuất hiện các ca bệnh không rõ nguồn lây nên tôi và các hộ kinh doanh ở đây đều thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên… Tuy nhiên, nhiều khách tới đây mua hàng đã quên đeo khẩu trang. Khi chúng tôi nhắc nhở, họ thường tỏ ra khó chịu. Đặc biệt, một số người vẫn đeo khẩu trang để đối phó, một chiếc khẩu trang y tế, họ dùng nhiều lần nên hiệu quả phòng bệnh không cao.

Để ngăn ngừa các ca bệnh trong cộng đồng, cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, vẫn cần sự tự giác chấp hành quy định phòng, chống dịch của người dân. Khi mỗi người đều chủ động thực hiện đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên, chấp hành tốt việc khai báo y tế, không tụ tập đông người…, thực hiện tốt các quy định trong phòng, chống dịch thì dịch COVID-19 mới có thể được khống chế.