Thời gian này, cả nước đang triển khai hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch COVID-19. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới trong cộng đồng có dấu hiệu tăng ở hầu hết các địa phương, trong đó có Thái Nguyên. Đáng lưu ý, người dân một số nơi có biểu hiện chủ quan, lơ là. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành và toàn xã hội phải nhận thức một cách đầy đủ chỉ đạo của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt”.
Mới đây, Tiểu ban truyền thông thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19 đã chính thức đưa ra thông điệp: “Cảnh giác, chủ động để bảo vệ thành quả phòng, chống dịch”. Thông điệp được đưa ra trong bối cảnh vẫn còn địa phương lúng túng, thiếu thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, cách hiểu còn mơ hồ, chung chung, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Ví dụ, “bình thường mới” là khái niệm không đơn thuần hiểu theo ý tất cả trở lại bình thường mà phải hiểu là tuyệt đối không lơ là, chủ quan nhưng cũng không hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trước diễn biến dịch bệnh. “Bình thường mới” phải trở thành thói quen thường nhật của người dân.
Để bảo vệ thành quả chống dịch trên cơ sở thích ứng linh hoạt, đảm bảo hoàn thành “mục tiêu kép” thì việc đánh giá cấp độ dịch cũng phải thực hiện theo hướng quy mô càng nhỏ càng tốt, đánh giá tới cụm dân cư và từng khu dân cư. Điều này giúp các biện pháp ngăn chặn dịch hiệu quả hơn, đồng thời không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Toàn xã hội cũng cần nhận thức rõ, tiêu chí đánh giá dịch đã thay đổi theo hướng không đánh giá về số lượng ca mắc mà theo hướng đánh giá tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong, tình hình đáp ứng thu dung, điều trị bệnh nhân.
Mặt khác, các cấp, ngành, địa phương và toàn dân phải thấm nhuần và nghiêm túc thực hiện nguyên tắc “5K + vắc xin, thuốc + biện pháp điều trị phù hợp + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”.
Trong phòng, chống dịch, giải pháp hiệu quả chính là “phủ sóng” vắc-xin. Chúng ta đặt mục tiêu sớm hoàn thành miễn dịch cộng đồng với hơn 75% người dân được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19.
Thời gian qua, cả nước đã triển khai rất hiệu quả chiến dịch tiêm chủng theo các đối tượng ưu tiên và hiện đang triển khai tiêm cho trẻ em theo lứa tuổi quy định.
Ở Thái Nguyên, tỉnh cũng đã triển khai gần 20 đợt tiêm vắc- xin, trong đó riêng khối lao động sản xuất, nhất là người lao động tại các khu công nghiệp đã tiêm đủ 2 mũi.
Thời gian gần đây, một số tỉnh, thành xảy ra “sự cố” trong tiêm vắc- xin phòng COVID-19. Đây là điều đáng tiếc ngoài ý muốn của cơ quan chuyên môn, đòi hỏi dư luận bình tĩnh chờ kết luận chính thức của hội đồng chuyên môn và cơ quan có thẩm quyền. Người dân cũng không nên chia sẻ, bình luận làm “nóng” vấn đề, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến cả chiến dịch tiêm chủng đang rất hiệu quả của cả nước.
Sự xuất hiện biến thể mới mang tên Omicron ở nhiều nước châu Âu là rất đáng lo ngại. Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam không được chủ quan, xem nhẹ mà phải cùng nhau chủ động kiểm soát dịch bệnh từ xa, từ sớm…