Những ngày gần đây, dư luận rất quan tâm và đồng tình cao với Văn bản chỉ đạo của Bộ Thông tin - Truyền thông về việc chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật (Văn bản số 4854/BTTTT-CBC ngày 26/11/2021). Những vi phạm được chỉ ra ở đây rất đúng với thực tế hiện nay.
Tại Thái Nguyên, chỉ trong mấy tháng vừa qua, chính quyền đã phải liên tiếp gửi văn bản phản hồi đến cơ quan quản lý báo chí về việc một số tờ báo, tạp chí có biểu hiện hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin thiếu khách quan, trung thực.
Mới đây nhất là phản hồi của Sở Thông tin - Truyền thông về các bài viết được xem là thiếu khách quan, thiếu chính xác liên quan đến tỉnh Thái Nguyên và Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long (gọi tắt là Công ty Thăng Long) đăng trên Tạp chí điện tử Ngày mới Online (thuộc Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam). Để rộng đường dư luận, giúp bạn đọc dễ hình dung, chúng tôi thông tin cụ thể một số nội dung phản hồi của tỉnh.
Văn bản phản hồi khẳng định, thông tin cho rằng đoạn đường mà Công ty Thăng Long thi công một phần lấn vào đất rừng đặc dụng là sai sự thật. Bởi, Kết luận kiểm tra số 4615/KL-UBND của UBND tỉnh ngày 12/11/2018 nêu rõ: Đối chiếu với bản đồ quy hoạch sử dụng đất xã Thần Sa (Võ Nhai) thì phần diện tích để làm đường trên không có rừng đặc dụng. Hơn nữa, tuyến đường bê tông nằm trên vị trí đường mòn cũ, trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được huyện Võ Nhai phê duyệt và giao xã Thần Sa làm chủ đầu tư. Tại đây có 5 hộ dân tự nguyện hiến đất để mở rộng mặt đường. Xã Thần Sa đã đề nghị Công ty Thăng Long hỗ trợ thi công một phần tuyến đường.
Thông tin phản ánh Công ty Thăng Long khai thác vàng ngoài lộ giới cũng được cho là không đúng. Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh (ngày 16/11/2021) thì bản đồ địa chính trích đo khu đất khai thác vàng mà Công ty Thăng Long xin thuê được Sở Tài nguyên và Môi trường duyệt tháng 4/2009, ranh giới thu hồi giải phóng mặt bằng nằm trong chỉ giới khai thác mỏ. Báo cáo của UBND tỉnh từ năm 2018 cũng khẳng định: Công ty đã khai thác đúng độ sâu, đúng chỉ giới cấp phép, tất cả được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ chủ quản và đúng quy định của pháp luật.
Ý kiến cho rằng tỉnh Thái Nguyên “nhường” đất trồng rừng, trồng lúa cho doanh nghiệp khai thác vàng cũng được xem là thiếu chính xác. Thực tế thì diện tích đất khai khoáng của Công ty Thăng Long được Nhà nước cho thuê đất trong phạm vi ranh giới mỏ cấp phép. Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khai khoáng được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Việc triển khai bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã được địa phương thực hiện đúng trình tự pháp luật.
Nhiều thông tin trên báo chí sai sự thật, thiếu khách quan về hoạt động của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long. Ảnh T.L
Thông tin Công ty Thăng Long đổ thải sai quy định, chưa giải quyết dứt điểm cũng là chưa đúng với thực tế thời điểm này, vì từ năm 2018 Công ty tiến hành đổ thải lớp mặt (chủ yếu là đất mầu) ra bãi thải ngoài để người dân địa phương trồng cây. Kết luận kiểm tra của UBND tỉnh đã chỉ rõ: Việc gửi thải đã được kiểm tra, khắc phục xong từ tháng 11/2018.
Việc khẳng định Công ty Thăng Long xây dựng đền, đình, chùa sai quy định trong khu vực Bản Ná cũng là thông tin thiếu căn cứ. Bởi vì việc xây dựng chùa của Công ty không xâm phạm vào đất rừng. Hơn nữa, chùa đã được Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên công nhận là cơ sở Phật giáo trực thuộc. Kết quả xác minh cho thấy, Đình Bản Ná ở vị trí này từ lâu, Công ty chỉ công đức xây dựng mới trên nề cũ, khi làm chỉ thu dọn đất, đá sạt xuống, không xâm phạm vào rừng.
Còn việc cơ quan tạp chí cho rằng đã nhận được ý kiến của người cao tuổi ở xã Thần Sa phản ánh Công ty Thăng Long để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình khai khoáng cũng được cho là không có căn cứ. Đầu tháng 11 vừa qua, Hội Người cao tuổi xã Thần Sa đã họp và có văn bản khẳng định: Tổ chức Hội và tất cả người cao tuổi của xã không có bất cứ đơn từ, văn bản nào phản ánh về nội dung trên…
Như vậy, gần như các thông tin phản ánh về tỉnh Thái Nguyên và Công ty Thăng Long như đã nói ở trên là những nội dung cũ đã được xem xét, khẳng định rất rõ trong các văn bản của tỉnh từ năm 2018, giờ được mang ra nhắc lại, đã tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh và doanh nghiệp. Sở Thông tin - Truyền thông đề nghị Tạp chí Ngày mới Online và tác giả các bài viết thực hiện cải chính, xin lỗi và gỡ bỏ thông tin sai sự thật theo Luật Báo chí.
Được biết, gần đây Sở Thông tin - Truyền thông cũng đã gửi văn bản phản hồi đến Bộ Thông tin - Truyền thông về việc một số cơ quan báo, tạp chí hoạt động trái tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật trên địa bàn tỉnh. Kết quả, Báo Tài nguyên và Môi trường sau khi đăng tải các bài viết sai sự thật về một doanh nghiệp tại tỉnh đã phải đính chính, công khai xin lỗi bạn đọc, doanh nghiệp theo quy định và “treo bút” 2 nhà báo. Tạp chí Tri thức Xanh cũng bị Cục Báo chí xử phạt gần 100 triệu đồng vì thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích và quy định khi hoạt động báo chí tại Thái Nguyên…
Trở lại với những nội dung quan trọng trong Văn bản số 4854 của Bộ Thông tin - Truyền thông, chúng ta nhận thấy vấn đề lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương cần phải được xử lý kịp thời, nghiêm khắc để răn đe. Bởi vì đây là những hoạt động thiếu chuẩn mực, có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái quy định pháp luật; ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp và gây bức xúc cho cơ quan, doanh nghiệp, địa phương; làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của những cơ quan báo chí, người làm báo chân chính.
Vì thế, thời gian tới, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí. Đối với những vụ việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm hình sự, Bộ sẽ chuyển, phối hợp các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý thích đáng.