Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ việc trẻ em bị tai nạn dẫn đến thương tích nặng do học theo cách chế tạo pháo trên mạng Internet. Tình trạng này đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh trong việc quản lý, giám sát con sử dụng mạng Internet.
Ngày 2-1, Bệnh viên C Thái Nguyên tiếp nhận bệnh nhân Đan Hoàng V. (sinh năm 2008, trú tại tổ 1, phường Phố Cò, T.P Sông Công) nhập viện trong tình trạng bàn tay bị bỏng nặng với nhiều vết thương phức tạp. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị bỏng nhiệt mức độ 3, phải phẫu thuật để xử lý vết thương.
Theo lời kể của cháu V: Trước đó, cháu xem mạng xã hội Titok thấy có video hướng dẫn chế tạo pháo từ diêm nên bắt chước. Sau khi mua diêm về và làm theo hướng dẫn thì xảy ra tai nạn.
Một ngày sau, Bệnh viện C Thái Nguyên tiếp nhận bệnh nhân Dương Văn H. (sinh năm 2008, trú tại xóm Thống Thượng, xã Minh Đức, T.X Phổ Yên) nhập viện trong tình trạng toàn bộ phần mặt và cổ bị “cháy xém” với nhiều vết bỏng sâu. Sau khi tiến hành sơ cấp cứu, Bệnh viện đã chuyển bệnh nhân đến Khoa Ngoại chấn thương để điều trị.
Chị Hoàng Thị L. (mẹ cháu H.) cho biết: Mới đây, gia đình tôi có mua cho cháu một chiếc điện thoại thông minh để học online, nhưng khi bố mẹ không có ở nhà cháu đã sử dụng điện thoại vào mạng Internet để xem các video hướng dẫn chế tạo pháo nổ rồi làm theo.
Vết thương trên cánh tay (do chế tạo pháo dẫn đến tai nạn) của cháu Nguyễn Văn T, sinh năm 2006, trú tại xóm Nam 2, xã Úc Kỳ (Phú Bình).
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Chung, Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện C Thái Nguyên cho biết: Chỉ trong 1 tuần qua, Bệnh viện đã tiếp nhận 4 trẻ em bị thương do tự chế tạo pháo và xảy ra tai nạn. Hằng năm, càng đến gần Tết Nguyên đán, số trẻ em bị thương tích liên quan đến pháo nổ ngày càng gia tăng.
Bác sĩ Chung cho biết thêm: Tai nạn do pháo nổ đặc biệt nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây ra các vết thương ở tất cả vị trí trên cơ thể, pháo nổ còn gây bỏng nặng do tỏa ra nhiệt lượng lớn, tổn thương mô mềm rất nhiều. Chăm sóc sau phẫu thuật thường phức tạp do nguy cơ nhiễm trùng lớn và quá trình điều trị lâu dài, hồi phục chức năng chậm, ảnh hưởng nặng đến chức năng và thẩm mỹ. Vài năm trở lại đây, chúng tôi đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị hỏng mắt, dập nát bàn tay, mất cánh tay, bỏng nặng… do tai nạn pháo nổ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, trên các trang mạng Internet xuất hiện tràn lan những bài viết, video hướng dẫn tự chế tạo pháo nổ. Trước thực trạng này, để không xảy những vụ tai nạn đáng tiếc từ việc chế tạo và sử dụng pháo nổ, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và trường học cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân, đặc biệt là trẻ em, về những nguy hại của việc chế tạo và sử dụng pháo nổ.
Thời gian gần đây, để phục vụ cho việc học tập online, nhiều gia đình đã sắm cho con em mình các thiết bị như: Máy vi tính, laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh… để truy cập vào mạng Internet. Đây là những thiết bị công nghệ giúp ích rất nhiều cho việc học tập của các em. Tuy nhiên, việc quản lý, giám sát con em mình sử dụng các thiết bị này như thế nào để các em không bị tiêm nhiễm thông tin độc hại trên mạng Internet là điều các bậc phụ huynh cần phải đặc biệt lưu tâm.