Từ một xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, nay xã Sảng Mộc (Võ Nhai) đang có nhiều đổi thay tích cực sau khi triển khai xây dựng xã thông minh (chuyển đổi số - CĐS). Việc thực hiện CĐS trong 1 năm qua đã góp phần không nhỏ vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền xã và người dân được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ hữu ích nhờ chương trình này.
Đưa xã khó khăn nhất...
Sảng Mộc là xã vùng sâu, vùng xa cách trung tâm huyện Võ Nhai 60km. Xã hiện có 665 hộ với gần 3.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 98%. Trong những năm qua, được sự đầu tư của Nhà nước, đời sống kinh tế - xã hội của người dân trong xã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, đầu năm 2020 xã vẫn còn 99 hộ nghèo và 125 hộ cận nghèo.
Một góc của xã đặc biệt khó khăn Sảng Mộc.
Cuối năm 2020, xã Sảng Mộc được tỉnh lựa chọn thí điểm xây dựng xã thông minh. Đây được coi là lựa chọn “táo bạo” bởi Sảng Mộc là một trong những xã khó khăn nhất tỉnh.
“Phần lớn là đồng bào DTTS, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và và truyền thông chưa được xây dựng đầy đủ và phủ sóng ở các xóm, làm hạn chế khả năng truy cập, tiếp cận, học hỏi, khai thác thông tin trên internet của đồng bào DTTS... đây là những trăn trở lớn của lãnh đạo xã khi được chọn thí điểm về CĐS" - ông Triệu Trung Tiên, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc bộc bạch.
…Trở thành xã thông minh
Những ngày cuối năm 2021, chúng tôi có dịp trở lại xã Sảng Mộc. Ghé thăm Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn, xóm Khuổi Mèo, cách trung tâm xã gần 10km. Thầy giáo Phạm Thanh Vinh, Hiệu trưởng Nhà trường phấn khởi cho biết: Trước đây Trường không có đường truyền Internet, không có mạng 3G, 4G. Nhờ CĐS, Nhà trường đã được lắp đặt hệ thống mạng internet; đầu năm 2021 đưa phòng tin học vào sử dụng.
Ông Triệu Trung Tiên, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc: “CĐS góp phần giúp lãnh đạo xã không phải đi lại nhiều, tiết kiệm chi phí, thời gian thông qua hệ thống hội nghị truyền hình để họp trực tuyến với huyện, tỉnh; hệ thống đã tích hợp chữ ký số trên hệ thống phần mềm để trao đổi văn bản điện tử có pháp lý như văn bản giấy...”. |
Cũng nhờ CĐS mà người dân ở 6/10 xóm của xã được tiếp cận với Internet. Bà Ngô Thị Điện, người dân tộc Mông ở xóm Khuổi Mèo, cho biết: Cách đây mấy tháng, gia đình tôi đã kéo được mạng Internet về, nhờ đó tôi có thể xem và học tập các mô hình phát triển kinh tế, cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19, các cháu học tập thuận lợi hơn.
Người dân và các em học sinh được tiếp cận với internet nhờ chuyển đổi số.
Cùng với tìm hiểu thông tin qua Internet, người dân còn được tiếp cận thông qua hệ thống loa truyền thanh thông minh với 5 cụm loa. Anh Triệu Nguyên Quý, Trưởng xóm Khuổi Uốn cho hay: Cụm loa đem đến cho người dân nhiều thông tin hữu ích. Giúp thông tin nhanh đến bà con về mưa bão, lũ lụt, hay thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19... tiết kiệm thời gian đến từng hộ gia đình như trước đây.
CĐS còn giúp người dân được tư vấn khám, chữa bệnh từ các y, bác sĩ bệnh viện tuyến trên thông qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa được lắp đặt tại Trạm Y tế xã. Từ khi vận hành đến nay đã có 2 ca bệnh được điều trị kịp thời thông qua hệ thống này.
Ngoài ra, CĐS còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, thông qua việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 với trên 50 thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đây còn là vấn đề mới với bà con đồng bào DTTS...
Cùng với xã Sảng Mộc, xã La Bằng (Đại Từ) cũng được tỉnh chọn thí điểm thực hiện CĐS và đã đạt được những kết quả bước đầu. Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ: Sở sẽ tiếp tục đồng hành với các địa phương triển khai theo đúng kế hoạch, lộ trình đã đề ra nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình CĐS. Bởi khi Sảng Mộc thành công thì CĐS sẽ dễ dàng triển khai ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.