Giảm thiểu việc đổi tiền lấy chênh lệch

10:29, 11/01/2022

“Đến hẹn lại lên”, giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền mới có mệnh giá nhỏ của nhiều tổ chức, cá nhân lại tăng đột biến. Năm nay, mặc dù dịch COVID-19 được dự báo làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi chúc Tết, đi lễ chùa của người dân, song không vì thế mà dịch vụ này bớt sôi động, bất chấp nhiều quy định được đưa ra từ phía Ngân hàng Nhà nước Trung ương (NHNN).

Công khai chào mời

Khoảng nửa tháng nay, nhiều tài khoản Facebook, Zalo bắt đầu đăng công khai dịch vụ đổi tiền lẻ, với những lời lẽ mời chào như: Em đang mang tiền lẻ về Thái Nguyên/Nhà mình ai cần, liên hệ em nhé/giá mềm như bún… Kèm theo đó là số điện thoại của chủ tài khoản cùng hình ảnh của những bó tiền mới, với đủ các mệnh giá từ 1.000 đồng đến 100.000 đồng.

Trong vai người có nhu cầu đổi tiền, chúng tôi liên hệ với một số chủ tài khoản thì được cho biết tiền có mệnh giá càng nhỏ thì phí dịch vụ càng cao.

Cụ thể, theo chủ tài khoản Thu Hoa.., với 1 triệu đồng loại 1.000 đồng, phí đổi là 150 nghìn đồng; loại 2.000 đồng thì phí là 80 nghìn đồng. Các mệnh giá còn lại từ 5.000, 10.000, 20.000đồng, mức phí là 60 nghìn đồng/triệu đồng. Mệnh giá 50.000, 100.000 đến 200.000 đồng, mức phí từ 30-40 nghìn đồng/triệu đồng.

Còn theo chủ tài khoàn Yuki…, đổi càng nhiều thì phí dịch vụ càng rẻ. Đơn cử như loại mệnh giá 10 nghìn đồng và 20 nghìn đồng, từ 1-10 triệu phí đổi là 9%; 10 đến dưới 20 triệu là 8%; 20-50 triệu là 7% và trên 50 triệu là 6%.

Đối với loại tiền đã qua sử dụng nhưng vẫn còn mới, mức phí thấp hơn 10-20% so với tiền nguyên bó. Giá này theo “cò” đổi tiền thì chỉ áp dụng trước ngày 15-12 Âm lịch. Còn sau ngày này có thể điều chỉnh nhẹ do nguồn cung khan hiếm.

Tiếng nói từ ngành Ngân hàng

Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, nhu cầu đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ vào dịp giáp Tết xuất hiện nhiều khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Hầu hết những người trưởng thành đều có nhu cầu đổi tiền mới vào dịp này, chủ yếu là để mừng tuổi và đi lễ đầu năm.

Xét ở một khía cạnh nào đó, đây là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh: Do đây chỉ là nhu cầu rất ngắn hạn nên NHNN Trung ương không thể đáp ứng, nhất là khi loại tiền có mệnh giá nhỏ đang lưu thông trên thị trường vẫn đủ. Bằng chứng là chỉ vào dịp Tết, loại tiền này mới khan hiếm, còn ngay sau Tết, một lượng lớn tiền lẻ lại đổ về các ngân hàng.

Đó là chưa kể trong 2 năm qua, đặc biệt là những tháng gần đây, do dịch COVID-19, để hạn chế tiếp xúc, nhiều người đã dần hình thành thói quen chuyển khoản khi thanh toán, thay vì trả trực tiếp tiền mặt. Cùng với đó, từ 1-1-2022, thêm nhiều NH lớn đã miễn phí chuyển khoản nên nhu cầu thực sự về tiền lẻ càng giảm mạnh.

Đâu là giải pháp?    

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao cứ vào dịp Tết, tiền lẻ lại trở nên khan hiếm? Thực tế tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, trước hết là do cả người bán và người mua, nhiều người có tâm lý tích trữ tiền lẻ để việc mua/bán được nhanh chóng hơn do sợ khan hiếm tiền lẻ trả lại. Đó là chưa kể nhiều người còn giữ lại những đồng tiền mới để mừng tuổi, đi lễ.

Ngay chính các cơ quan, tổ chức cũng có nhu cầu đổi tiền mới để mừng tuổi cán bộ, người lao động trong ngày gặp mặt đầu Xuân… Chính vì thế, để giảm thiểu tình trạng khan hiếm này thì điều cần thiết là phải thay đổi nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân.

Theo đại diện một số ngân hàng, nhiều giải pháp có thể được áp dụng để hạn chế việc khan hiếm tiền mới có mệnh giá nhỏ. Cụ thể là đối với các cơ quan, đơn vị, vào ngày ra quân đầu năm, thay vì mừng tuổi bằng tiền mặt, có thể chuyển khoản. Ban quản lý các đền, chùa không nên đặt hòm công đức ở tất cả các ban, mà chỉ cần đặt tại 1-2 ban chính và có hướng dẫn cụ thể để người đi lễ thay vì đặt nhiều tờ tiền lẻ thì chỉ cần đặt một tờ tiền chẵn có trị giá tương đương.

Việc chuẩn bị tiền mừng tuổi cũng vậy, mỗi người cũng chỉ cần chuẩn bị một lượng tiền vừa phải, bởi với những gia đình có con nhỏ, bố mẹ có thể đổi lại tiền lẻ từ con. Trường hợp không có con nhỏ, có thể đổi từ bố mẹ trẻ được mừng tuổi. Còn trong mua bán, người dân nên tăng cường hình thức chuyển khoản…

Nghị định số 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt sẽ cao gấp đôi với tổ chức.