Vì ma túy, nhiều người không từ thủ đoạn nào để thỏa mãn cơn nghiện. Theo đó là bi kịch gia đình, mất an ninh trật tự xã hội. Không ít người nghiện sau khi sử dụng ma túy, rơi vào trạng thái ảo giác, hạ sát chính người thân của mình. Để cuộc sống bình yên, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã quyết liệt trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy và tổ chức cai nghiện ma túy…
Chúng cháu “chơi” ma túy tổng hợp, thịnh hành nhất bây giờ là hồng phiến, thuốc lắc, ma túy dạng đá… không mất thời gian mà còn thể hiện với bạn nghiện về “đẳng cấp chơi”… Nguyễn Xuân Tình, một thanh niên đang chấp hành cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh chia sẻ.
Tình chỉ là một trong hàng nghìn trường hợp được cơ quan chức năng tổ chức cai nghiện ma túy trong thời gian 10 năm gần đây. Trong số đó có nhiều người “ngựa quen đường cũ”, tái hòa nhập cộng đồng chưa được bao lâu lại trở thành “nỗi kinh hoàng” cho gia đình và xã hội.
Bà Hoàng Thị Tuyến, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), gạt nước mắt khi kể chuyện với chúng tôi về con trai mình: Gia đình phát hiện cháu bị nghiện ma túy khi đang học đại học năm 2. Để cứu con, tôi gửi cháu vào Cơ sở Điều trị Tự nguyện và Công tác xã hội T.P Thái Nguyên. Hiện cháu đã qua giai đoạn điều trị cắt cơn, tích cực tham gia lao động phục hồi chức năng.
Cho người thân đi cai nghiện ma túy tập trung, đó cũng là “những tháng ngày bình yên” của không ít gia đình. Bởi không có đập phá, chửi bới, không bị mất cắp và nỗi lo bất an vô hình thường trực.
Trong thời gian 10 năm gần đây, trên toàn tỉnh có khoảng 13.000 lượt người nghiện ma túy chấp hành thực hiện từ bỏ một thói quen xấu tại cơ sở cai nghiện các cấp, trong đó hơn 10.000 lượt người cai nghiện tự nguyên, 3.000 lượt người cai nghiện bắt buộc.
Riêng trong năm 2021 vừa qua, các cơ sở cai nghiện của tỉnh đã tổ chức cai nghiện cho hơn 1.400 trường hợp, đạt 143% chỉ tiêu nhiệm vụ năm đề ra. Trong đó hơn 300 trường hợp cai nghiện bắt buộc tại cơ sở; gần 450 trường hợp cai nghiện tự nguyện tại cơ sở và gần 700 trường hợp chấp hành cai nghiện tại gia đình.
Ngoài ra, còn có gần 350 trường hợp điều trị Methadone tại các cơ sở cai nghiện, trong đó huyện Phú Lương hơn 40 trường hợp; T.P Thái Nguyên 55 trường hợp; Cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh gần 250 trường hợp.
Toàn bộ sản phẩm do học viên tại Cơ sở Điều trị Tự nguyện và Công tác xã hội T.P Thái Nguyên làm ra được dùng cải thiện bữa ăn hằng ngày của họ.
Để an toàn cho cán bộ và người chấp hành cai nghiện trong tình hình dịch COVID - 19, các cơ sở cai nghiện nghiêm túc thực hiện công tác phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt với các trường hợp điều trị Methadone, không tập trung đông người cùng lúc và thực hiện đầy đủ nguyên tắc 5K.
Nhằm giúp người nghiện ma túy từ bỏ một thói quen xấu, các cơ sở cai nghiện chủ động tổ chức cho học viên được tham gia các lớp học nghề, như làm mộc, điện dân dụng, trồng trọt, làm chổi, làm mi mắt giả…
Bà Trịnh Thị Nguyệt, Trưởng Phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Công tác dạy nghề cho người chấp hành cai nghiện ma túy cực kỳ quan trọng. Bởi đa số người nghiện đều vì “nhàn cư bất thiện”, bị người xấu lôi kéo. Do vậy sau cai nghiện, họ có một công việc làm mới, môi trường tiếp xúc mới, xa dời được bạn xấu, cơ hội làm lại cuộc đời cũng nhiều hơn.
Đã có 6 lớp dạy nghề cho 154 học viên trong năm 2021 được tổ chức tại các cơ sở cai nghiện của tỉnh. Trong đó cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh tổ chức được 3 lớp dạy nghề điện dân dụng và trồng rau an toàn cho 100 học viên. Cơ sở Điều trị Tự nguyện và Công tác xã hội T.P Thái Nguyên tổ chức 3 lớp dạy nghề hàn và xây dựng cho 54 học viên...
Kết thúc khóa học, 100% học viêm tham gia các lớp đào tạo nghề được cấp giấy chứng nhận. Đây cũng là giấy thông hành để khi về hòa nhập cuộc sống đời thường, họ có một nghề để sống.
Vì một xã hội bình yên, mỗi năm tỉnh chi phí hàng tỷ đồng cho công tác cai nghiện ma túy. Nhưng vì “Ngựa quen đường cũ”, nhiều người vừa bước ra khỏi cơ sở cai nghiện, chưa về đến nhà đã bị tái nghiện. Anh Lê Quang Chính, xã Phú Xuyên (Đại Từ), một người gần 10 lần cai nghiện mới dứt bỏ được chất kích thích là trường hợp như vậy.
Còn Ma Xuân Phúc, trường hợp gần như sống chung thân ở các cơ sở cai nghiện của tỉnh nói với chúng tôi: Ma túy đã lấy đi của tôi tất cả tình thân, nhân cách trượt dài và tôi luôn sống trong hổ thẹn. Nhưng ma túy ngấm sâu vào óc, lúc nào cũng nghĩ tới nó. Không có, đau không chịu nổi. Với cuộc đời bỏ đi của tôi, chỉ có cơ sở cai nghiện ma túy mới là chỗ cho tôi ăn no, và tạm quên chất chết trắng.
Biết rất rõ tác hại của ma túy, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn thích “thể hiện đẳng cấp” khi sử dụng nó. Họ tiếp tục trở thành nỗi đau đớn cho các bậc sinh thành. Để xã hội bình yên, không còn cách nào khác là các cấp, ngành tăng cường hơn nữa hoạt động tuyên truyền về tác hại của ma túy. Nhất là với các bạn trẻ, đừng vì lời mời ngọt ngào ma mị, một lần thử dùng ma túy để mất đi cả một đời người.