Phòng, chống cháy nổ ngay từ những ngày đầu năm

11:56, 05/02/2022

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến việc bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở bị gián đoạn, không thường xuyên; nhu cầu sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt tại các hộ gia đình tăng cao. Hơn nữa, dịp Tết Nguyên đán nhiều cửa hàng tạp hóa, siêu thị tích trữ nhiều hàng hóa, nguyên liệu… tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Để phòng ngừa, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ.

Vừa qua, tại ngôi nhà 3 tầng ở ngõ 51 Lương Khánh Thiện (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) xảy ra một vụ cháy. Sau khi nhận tin báo, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Hoàng Mai đã điều 2 xe chữa cháy và 1 xe thang đến hiện trường, tổ chức chữa cháy và cứu người. Do tầng tum được lợp bằng tôn, quây sắt kiên cố nên việc tiếp cận hiện trường vụ cháy gặp nhiều khó khăn. Các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận cùng người dân gần đó đã kịp thời giải cứu cháu Vũ Hải Y (SN 2007) bị mắc kẹt trên tầng tum, dập tắt đám cháy…

Trước đó, tại nhà số 2, phố Triệu Quốc Đạt (thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) xảy ra vụ cháy. Ngay khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều động 3 xe chữa cháy, 1 xe bồn cùng 25 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường. Lực lượng chữa cháy vừa tổ chức chữa cháy, vừa sử dụng các thiết bị chuyên dụng để phá lan can sắt tìm kiếm người bị nạn. Dù đám cháy được khống chế nhưng đã khiến 3 người chết, 1 người bị thương…

Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, trong năm 2021, toàn quốc xảy ra 2.245 vụ cháy, làm chết 85 người, bị thương 130 người, tài sản thiệt hại ước tính 374,42 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2020 thì số vụ cháy giảm 543 vụ.

Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện; do sơ xuất bất cẩn sử dụng lửa; do sự cố kỹ thuật, vi phạm quy định về PCCC.

Ngoài ra, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài khiến nhiều cơ sở sản xuất phải ngừng hoạt động, việc thực hiện an toàn PCCC tại đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở bị gián đoạn. Nhu cầu sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt tại các hộ gia đình tăng cao.

Bên cạnh đó, các cơ sở, doanh nghiệp đi vào hoạt động sau thời gian dịch bệnh kéo dài sẽ chủ yếu tập trung vào sản xuất, lơ là công tác bảo đảm an toàn PCCC…

Để hạn chế số vụ cháy, nổ và thiệt hại gây ra trong mùa hanh khô, dịp Tết Nguyên đán, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo các cấp, các ngành, các đơn vị cần tổ chức tốt hoạt động PCCC và CNCH tại chỗ. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC, nội quy, quy định về PCCC trong sản xuất, kinh doanh đến cán bộ, công nhân viên...

Thường xuyên và định kỳ tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC để kịp thời phát hiện và khắc phục các nguy cơ gây cháy. Tăng cường tuần tra, canh gác 24/24 giờ tại cơ sở và khu dân cư, đặc biệt là vào thời điểm ngoài giờ hành chính, ban đêm, ngày nghỉ để phát hiện và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh...

Các hộ gia đình cần bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC; trang bị đầy đủ thiết bị cảnh báo cháy sớm, cảnh báo rò rỉ khí gas và phương tiện chữa cháy tại chỗ. Cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Các địa phương cần nghiên cứu, tổ chức thành lập, vận động quần chúng nhân dân tham gia đội dân phòng và xây dựng các phương án chữa cháy tại khu dân cư; xây dựng cơ chế phối hợp các lực lượng, các cơ quan, đơn vị để phục vụ công tác PCCC.