Mua bán quân tư trang tự do: Cần bịt “kẽ hở” pháp luật dù là nhỏ nhất

16:46, 22/03/2022

Ngày 18-3, Báo Thái Nguyên (báo in) và báo điện tử đăng tải bài viết: “Mua bán quân tư trang tự do: Ngăn chặn để tránh hệ lụy”. Bài viết nêu: Nhiều năm nay, trên đường Quang Trung, đoạn qua Bảo tàng Quân khu 1 (thuộc phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên) và ven Quốc lộ 1B (đoạn qua Quân khu 1, thuộc xã Hóa Thượng, Đồng Hỷ) có nhiều quầy hàng bán quần áo bảo hộ lao động và phần lớn là các loại quân phục, quân tư trang như: Mũ cối, mũ kê pi, giày, thắt lưng, áo mưa...

Bài viết đã nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả. Phóng viên Báo Thái Nguyên cũng đã trao đổi thêm với đại diện một số cơ quan, đơn vị về vấn đề này. Ông Trần Khánh Phương, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT) tỉnh, cho rằng: Đối với một số mặt hàng giống quần áo, quân trang của quân đội, lực lượng QLTT đã từng tiến hành kiểm tra nhưng chưa phát hiện vi phạm. Những trang phục này giống quân trang, quân phục, được may gia công nhưng chưa thể coi là hàng giả, hàng nhái.

Khi chúng tôi đưa ra những hình ảnh về quần áo, giày da có in nhãn Tổng cục Quân nhu, Cục Hậu cần, mũ kê pi có gắn sao… thì đại diện Đội QLTT nhận định: Nếu các cửa hàng trên bán các loại quân tư trang của quân đội như: Mũ kê pi, quân hàm, quân hiệu có sao, vạch… thì có dấu hiệu vi phạm, nhưng để khẳng định thật – giả cần giám định, đánh giá. Muốn làm được điều này, cơ quan QLTT phải phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan có thẩm quyền và cần có thời gian. Tuy nhiên, trước phản ánh của Báo, lực lượng QLTT sẽ tiến hành kiểm tra thực tế, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý bước đầu theo quy định.

Theo một sĩ quan phụ trách quân nhu đang công tác ở một đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh: Việc cấp phát quân tư trang cho cán bộ, chiến sĩ luôn được thực hiện đầy đủ, đúng thời gian và được quy định cụ thể. Bộ Quốc phòng cũng nghiêm cấm việc cán bộ, chiến sĩ bán quân tư trang đã được cấp phát. Các vi phạm đều bị xử lý theo kỷ luật quân đội.

Ông Hoàng Văn Trình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho rằng: Trên thực tế đã có kẻ lợi dụng trang phục quân đội để thực hiện hành vi xấu gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp vốn có của quân nhân Việt Nam. Những hành vi ấy cần phải xử lý nghiêm.

Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời bình, mọi mặt đời sống xã hội đang diễn ra bình thường. Cứ cho rằng việc mua bán quần áo, đồ dùng giống quân tư trang của lực lượng vũ trang là được phép, chúng ta cũng nên có cơ chế quản lý chặt chẽ, cụ thể. Giả sử khi có tình huống bất thường xảy ra, nếu lực lượng phản động mua được một số lượng lớn và trang bị cho “đội quân” của họ, giả danh lực lượng vũ trang đi làm nhiệm vụ rồi thực hiện mục đích xấu… thì hậu quả thật khó lường. Bởi người dân, đặc biệt là bà con sinh sống ở vùng sâu, xa khi nhìn vào trang phục (giống bộ đội) thì không thể phân biệt được thật - giả. Lực lượng phản động, đối tượng xấu có thể lợi dụng lòng tin của nhân dân để gây bất lợi cho cách mạng. Do đó cần ngăn chặn mọi hoạt động gây tổn hại và “bịt” những kẽ hở pháp luật dù là nhỏ nhất để các đối tượng xấu không thể lợi dụng.

Xin nhắc lại, Nghị định số 82/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ nêu rõ: Quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam được sử dụng cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên, hạ sĩ quan - binh sĩ. Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, làm nhái, tàng trữ, trao đổi, mua bán, cho, tặng và sử dụng trái phép quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.