Mua bán quân tư trang tự do: Ngăn chặn để tránh hệ lụy

08:18, 18/03/2022

Quân phục nói riêng và quân tư trang nói chung chỉ được sử dụng cho cá nhân phục vụ trong quân đội, việc sản xuất - mua bán chỉ được thực hiện bởi các đơn vị do Bộ Quốc phòng cho phép… Vậy nhưng trên thực tế, mặt hàng đặc biệt này lại đang được bày bán công khai, ngang nhiên tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.

Nhiều năm nay, trên đường Quang Trung, đoạn qua Bảo tàng Quân khu 1 (thuộc phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên) và ven Quốc lộ 1B (đoạn qua Quân khu 1, thuộc xã Hóa Thượng, Đồng Hỷ) có nhiều quầy hàng bán quần áo, phần lớn là các loại quân phục, quân tư trang.

Lướt qua một vòng các quầy hàng này, chúng tôi thấy bên ngoài họ bày bán các loại quần áo, mũ, ủng... bảo hộ lao động và rất nhiều loại quần áo, quân tư trang như: Mũ cối, mũ kê pi, giày, thắt lưng, áo mưa... Ngay khi nhìn từ xa, các quầy hàng này đã phủ một màu xanh đặc trưng của trang phục quân đội.

Trong vai một người đi mua sắm, rẽ vào các quầy hàng, chúng tôi đều có thể thoải mái lựa chọn cùng sự tư vấn của chủ quầy. Quần áo thì có đủ các loại dành cho quân nhân từ mùa đông đến mùa hè, từ chiến sĩ đến sĩ quan, dân quân tự vệ. Giày thì có từ loại giày vải, đế cao su dành cho “lính” đến giày da dành cho sĩ quan cấp úy, tá, tướng. Thắt lưng và một số quân tư trang khác cũng rất đa dạng, tùy theo sở thích và nhu cầu của người mua.

Giá mỗi bộ quân phục khoảng 300 - 500 nghìn đồng/bộ, giày từ 300 - 500 nghìn đồng/đôi tùy theo loại (cấp úy, cấp tá, cấp tướng), thậm chí có loại có giá trên 1 triệu đồng. Áo mưa trên 200 nghìn đồng/bộ, loại làm “nhái” thì có giá mềm hơn (150 nghìn đồng/bộ)…

Nếu khách hàng cần mua số lượng lớn, các quầy hàng này cũng có thể đáp ứng. Các mặt hàng này phần lớn đều có gắn nhãn mác hoặc in chữ của đơn vị sản xuất như: Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần. Có chủ quầy còn khẳng định các sản phẩm trên đều là “hàng chuẩn”. Hơn nữa, năm nay các mặt hàng này giá cao hơn những năm trước.

Không chỉ bày bán tại các quầy hàng nói trên mà quần áo, quân tư trang của lực lượng vũ trang còn được rao bán rất nhiều trên các trang mạng như Facebook và cả những sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shoppe, Sendo. Trên các trang này, mọi sản phẩm liên quan đến quân tư trang từ mũ, quần áo, giầy dép, thắt lưng, tất… đều được rao bán công khai và giá cả cũng rất đa dạng.

Khách hàng chủ yếu là người dân mà không phải cán bộ sĩ quan hay người đang tại ngũ bởi lực lượng này hằng năm đều được cấp phát đầy đủ theo quy định. Điều này cũng lý giải vì sao khi chúng ta ra đường thường bắt gặp nhiều người vận trên mình bộ quân phục nhưng rất khó phân biệt người đó có phải quân nhân hay không. Thậm chí nhiều người mặc quân phục chỉ vì… thích, hoặc các lý do khác nhau.

Anh Nguyễn Văn Phương, ở phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), cho biết: Tôi làm thợ xây dựng nhưng mỗi năm thường mua một vài bộ quần áo của bộ đội. Mặc đồ quân phục có cảm giác thoải mái, vừa có thể mặc đi làm thay cho quần áo bảo hộ lao động hoặc mặc đi chơi. Trong đội thợ của tôi cũng có nhiều người thích mặc đồ lính.

Quân đội, công an với sắc phục đặc trưng của ngành từ lâu đã trở nên quen thuộc, gần gũi với người dân. Họ luôn là lực lượng thường trực giữ gìn, bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc, nhân dân. Nhiều người yêu quý, thích vận lên mình bộ trang phục của lực lượng vũ trang cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, ở một số nơi đã xảy ra tình trạng đối tượng xấu mặc quân phục giả danh làm sĩ quan quân đội, công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân hoặc thực hiện các hành vi mờ ám khác. Việc này làm ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp vốn có của người chiến sĩ quân đội, công an, khiến dư luận bức xúc, xã hội lên án.

Hơn nữa, Điều 4, Nghị định số 82/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định về việc quản lý, sử dụng quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam, nêu rõ: Quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam được sử dụng cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên, hạ sĩ quan - binh sĩ. Công nhân và viên chức quốc phòng chỉ sử dụng trang phục, biển tên và biểu tượng quân chủng, binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, làm nhái, tàng trữ, trao đổi, mua bán, cho, tặng và sử dụng trái phép quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Như vậy, đối với mặt hàng này, dù làm giả, làm nhái hay hàng thật mà được mua bán tự do, công khai dưới bất cứ hình thức nào đều vi phạm pháp luật. Với thực trạng và những vấn đề đã nêu trên, thiết nghĩ việc mua bán quân tư trang cần được các cấp, ngành liên quan vào cuộc siết chặt quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.