Nhằm thực hiện hiệu quả Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị- xã hội đã tích cực tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng.
Địa bàn huyện Phú Lương hiện có gần chục cửa hàng giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn. Sản phẩm tại các cửa hàng được chủ cơ sở cam kết về chất lượng với doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng.
Chị Hoàng Tú Quyên, chủ một cửa hàng nông sản sạch, thuộc tổ dân phố Lê Hồng Phong, thị trấn Đu, chia sẻ: Ngoài việc chú trọng nhập hàng hóa sạch, đa dạng, tôi luôn đặt tiêu chí về chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, kiên quyết không nhập hàng quá hạn sử dụng hoặc không có có địa chỉ rõ ràng.
Không chỉ trên địa bàn huyện Phú Lương, khảo sát tại một số cửa hàng, siêu thị lớn tại T.P Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy hàng Việt được bày bán chiếm tỷ lệ khá cao như: Siêu thị ALOHA MALL, hàng Việt chiếm tới 97%; Siêu thị Lan Chi Mart, hàng Việt chiếm khoảng 76%; Go! Thái Nguyên, hàng Việt chiếm khoảng 95%...
Anh Sa Văn Thìn, phụ trách kinh doanh tại Siêu thị ALOHA MALL cho hay: “Chúng tôi luôn ưu tiên nhập hàng Việt chất lượng có mã vạch rõ ràng và đặt sản phẩm ở những nơi thuận tiện, bài trí đẹp mắt để người tiêu dùng dễ nhận biết”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Phương, phường Quang Trung, mua hàng tại đây, chia sẻ: “Giờ tôi đi chợ hoặc đi siêu thị luôn ưu tiên mua hàng Việt, vì hàng Việt hiện nay không thua kém hàng hóa nhập ngoại, giá cả lại phải chăng, mẫu mã đẹp”
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện CVĐ “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động hướng dẫn các tổ chức thành viên cụ thể hóa nội dung CVĐ; tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên ưu tiên sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Các sở, ngành, đặc biệt là ngành Công Thương hàng năm đều xây dựng kế hoạch triển khai nội dung CVĐ, như: Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội trợ, hỗ trợ các điểm bán hàng Việt tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tham mưu các chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương, thông tin: Ngoài hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh xây dựng tiêu chuẩn, mẫu mã sản phẩm đẹp để đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày càng cao, năm qua chúng tôi tổ chức hàng trăm điểm bán hàng Việt tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đưa 76 sản phẩm OCOP và 35 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên bán trên sàn Thương mại điện tử.
Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các ngành chức năng cũng kịp thời phát hiện, tố giác những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…
Ông Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, cho biết: Chúng tôi tiếp tục quán triệt các chủ trương, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện CVĐ trong tình hình mới. Ủy ban MTTQ các cấp tiếp tục phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên ưu tiên sử dụng hành Việt nhằm tạo thói quen tiêu dùng và xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt rộng rãi.