Đừng để xảy ra hậu quả rồi hối tiếc

09:28, 26/05/2022

Tai nạn lao động không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, cướp đi sinh mạng của nhiều người mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của xã hội.

Đại Từ là địa bàn có nhiều mỏ khai thác khoáng sản, thêm vào đó, hiện nay huyện có nhiều dự án đang được triển khai. Vì thế, lực lượng lao động tại các nhà máy, xí nghiệp, mỏ khai thác, công trường thi công xây dựng… đông.

Hằng năm, không ít vụ tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn gây thiệt hại về người và tài sản, để lại hậu quả, nỗi đau kéo dài. Theo thống kê, năm 2021 toàn huyện xảy ra 9 vụ tai nạn lao động, làm 5 người chết, 4 người bị thương nặng, ở các địa phương: Xã Khôi Kỳ, Mỹ Yên, Bình Thuận, Yên Lãng và thị trấn Hùng Sơn. Tăng 4 vụ, tăng 1 người chết so với năm 2020.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn nghiêm trọng là do sự chủ quan của người lao động, vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn (chiếm khoảng 84%).

Từ việc người lao động chưa được huấn luyện hoặc huấn luyện chưa đầy đủ về an toàn vệ sinh lao động, không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động, chưa làm tốt công tác tự kiểm tra an toàn vệ sinh lao động, không tổ chức đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và nguy cơ rủi ro gây ra tai nạn lao động.

Đặc biệt là việc sử dụng thiết bị không đảm bảo an toàn cho người lao động hoặc không có thiết bị an toàn, không xây dựng quy trình, nội quy an toàn lao động, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân đảm bảo…

Điều đáng chú ý, phần lớn các vụ tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng là các trường hợp các cá nhân, đơn vị tự thuê lao động theo thời vụ hoặc theo công việc (khi cần mới thuê), không có hợp đồng lao động. Người được thuê là lao động tự do, không được đào tạo, tập huấn, ít kinh nghiệm, kiến thức về an toàn lao động. Cả người đi thuê lẫn người được thuê đều không thực hiện tốt các biện pháp về đảm bảo an toàn lao động.

Nhằm hạn chế các vụ tai nạn lao động xảy ra, huyện xác định công tác phòng ngừa là quan trọng. Vì thế, hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng về an toàn lao động được chú trọng, thông qua việc đa dạng các hình thức tiếp cận từ truyền thống đến hiện đại, từ tĩnh sang động...

Hằng năm, số lượt người được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động là trên 10.000 người. Năm 2021, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho 8.000 người, đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định đạt 70%.

Cùng với đó, huyện tăng cường công tác kiểm tra thiết bị, vật tư tại các đơn vị, đến nay số máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về AT-VSLĐ là 5.164 máy, thiết bị do các doanh nghiệp đang sử dụng đều đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và cơ bản đều được kiểm định theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, các thiết bị đang được sử dụng tại các hộ gia đình, các doanh nghiệp nhỏ hầu hết chưa được kiểm định, hoặc đã được kiểm định nhưng chưa khai báo.

Vì vậy, để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra, cùng với nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan, doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động. Mỗi người lao động cần thường xuyên nâng cao kiến thức, kỹ năng, thực hiện nghiêm ngặt các quy định, quy trình về an toàn lao động để bảo vệ chính bản thân.