Mặc dù mới bước vào mùa Hè chưa lâu, song số lượng trẻ đuối nước ở các địa phương trong cả nước gia tăng, nhiều trường hợp đuối nước tập thể thương tâm. Trước tình trạng đáng báo động này, Thủ tướng Chính phủ đã phải có Công điện về tăng cường công tác phòng chống đuối nước ở trẻ em. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm bảo vệ, chăm sóc trẻ em trước các tai nạn thương tích và đuối nước.
Theo báo cáo của Chính phủ, tình trạng đuối nước gây tử vong cho trẻ những ngày gần đây diễn ra thường xuyên ở mức độ cao. So với cùng kỳ các năm trước, năm nay có xu hướng tăng. Đối với Thái Nguyên, từ đầu năm đến nay cũng đã xảy ra một số trường hợp đuối nước thương tâm, trong đó đáng chú ý có vụ đuối nước của 2 cháu nhỏ ở Phú Lương và 2 học sinh ở Phú Bình.
Thái Nguyên là địa phương có nhiều sông, suối, ao hồ, đập tràn, nơi mà nhiều trẻ em, nhất là trẻ em nông thôn thường lựa chọn làm địa điểm vui chơi, tắm mát mùa Hè.
Thực tế cho thấy, không phải trường hợp đuối nước gây tử vong nào cũng bởi các em không biết bơi mà nhiều trường hợp biết bơi nhưng do không biết xử lý đúng cách vẫn bị đuối nước.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các ngành, địa phương trong tỉnh phải có trách nhiệm phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Đặc biệt, ngành Giáo dục - Đào tạo phải có kế hoạch tuyên truyền cụ thể để nâng cao nhận thức, ý thức học sinh về vấn đề đuối nước. Cần thiết phải giúp học sinh nhận biết được các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước để phòng tránh.
Hơn nữa, từng hoc sinh phải được nhà trường hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, nhất là thời điểm trước khi bước vào Hè. Các nhà trường phải có trách nhiệm đẩy mạnh phong trào dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho học sinh trong trường học. Phối hợp chặt chẽ với gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè.
Khi học sinh nghỉ hè, chính quyền các địa phương cần chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp tham gia quản lý chặt chẽ trẻ em. Tổ chức vận động các hộ gia đình cam kết trách nhiệm xây dựng ngôi nhà an toàn, bảo đảm an toàn cho trẻ em. Rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm như: Hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước có nguy cơ tai nạn đuối nước tại địa bàn; triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục, làm rào chắn, biển cảnh báo, cảnh giới, nhắc nhở khu vực nguy hiểm…
Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức dạy bơi trong các cơ sở giáo dục; chủ động bố trí ngân sách hằng năm theo phân cấp để thực hiện công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em và vận động xã hội xây dựng, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thiết chế thể dục, thể thao, phát triển hệ thống bể bơi thông minh và các nguồn nước mở an toàn để tổ chức dạy kỹ năng an toàn cho trẻ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn đã xảy ra đuối nước trẻ em; hỗ trợ kinh phí phù hợp với việc học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn…