Báo chí – nhịp cầu nối những đảo xa

11:22, 21/06/2022

Hình ảnh những nhà báo vai ba lô, máy ảnh, máy quay hòa vào đoàn quân lên đường ra Trường Sa như nhắc nhớ đến một thời đạn bom, khi cả nước cùng ra trận. Hơn thế nữa, đằng sau những trang viết là tình cảm sâu nặng của các nhà báo với những con người nơi đầu sóng.

Người làm báo đến Trường sa sớm nhất là nhà báo Khắc Xuề - phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Tháng 5/1975, anh có mặt ở Trường Sa cùng với Nguyễn Thắng, phóng viên Báo Hải quân. Từ các anh, những bức ảnh quý về Trường Sa ngày đầu giải phóng được gửi về đất liền một cách chân thực.

Qua ngòi bút của các anh, cuộc sống khắc nghiệt của người lính nơi đảo xa hiện lên giữa khung cảnh thiên nhiên phóng khoáng và kỳ thú. Qua đó, nhiều người lần đầu tiên được biết đến những cái tên: Song Tử, Sơn Ca, An Bang, Nam Yết… xa xôi.

Và, điều đặc biệt thiêng liêng là hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên cột mốc chủ quyền để niềm vui Ngày thống nhất non sông được trọn vẹn. Những ngày đầu, thông tin gửi về đất liền rất ít, những lá thư, trang báo gửi ra chậm hàng tháng trời.

Nhà báo Khắc Xuề (giữa) tại đảo Nam Yết tháng 5-1975 (ảnh tư liệu).

Sau này, sự trao đổi, đi lại giữa đất liền và đảo nhiều hơn, nhanh hơn, một phần quan trọng cũng là nhờ công sức lớn của các nhà báo. Họ chính là những “nhịp cầu” để đất liền gần hơn với đảo xa.

Những bức ảnh về Trường Sa của nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngọc Thành: “Hoa bàng vuông”, “Vượt sóng”, luôn đong đầy nỗi nhớ và chứa đựng sức sống mãnh liệt nơi đầu sóng.

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê bá Dương (Báo Văn hóa) đã có 4 chuyến đi Trường Sa. Anh đã chụp hàng ngàn bức ảnh chân thật, sinh động về con người và thiên nhiên, như: “Khát vọng Trường Sa”, “Đất nước ở Trường Sa”, “Nền Tổ quốc”, “Mắt đảo Trường Sa”…

Có một người tuy chưa từng đặt chân đến Trường Sa, nhưng hình ảnh những người lính đảo trở về đất liền luôn đau đáu trong anh. Một buổi chiều năm 1982, khi đang đạp xe dọc đường Trần Phú (Nha Trang), bắt gặp ánh mắt người con gái đăm chiêu nhìn về phía biển, anh rút vội tờ giấy để ghi nhanh dòng cảm xúc đang trào dâng “Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi. Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ. Bên đồng đội yêu thương…”. Đến năm 1984, nhạc sĩ Hình Phước Long mới có dịp theo đoàn ra thăm Trường Sa, khi ấy bài hát “Gần lắm Trường Sa” đã quen thuộc với mọi người, anh mới có dịp ngắm nhìn và hát cho lính đảo nghe.

Tháng 4/2008, nhà báo, nhà thơ Trương Minh Thắng (Báo Đăk Lăk) ra Trường Sa, giữa sóng gió cồn cào, nắng chát, anh viết: “Trường Sa ơi! sóng biển mài gươm - những nụ cười rạng rỡ/ Ôm vầng trăng tuần tự khuyết tròn/ Ôm bóng quê hương vời vợi buổi hoàng hôn!”.

Đã có hàng trăm bài báo, hàng nghìn câu chuyện kể về Trường Sa, nhưng đọng lại vẫn là những câu chuyện đời thường, gần gũi, chân thực.

Tháng Tư, tháng Năm trời nắng như đổ lửa, biển êm lặng sóng; còn cuối năm, biển động dữ dội, sóng cấp 5 cấp 6, trên cầu tàu Quân cảng Cam Ranh, đi bên những người lính là đội ngũ hàng trăm nhà báo từ mọi miền Tổ quốc đổ về.

Các chị, các anh luôn tạo nên sự vui tươi, náo nhiệt, truyền cảm hứng cho những người lần đầu tiên đặt chân đến Trường Sa. Cán bộ, chiến sĩ trên các tàu HQ 571, HQ 561, KN 490, KN 491 luôn nhắc nhớ đến hình ảnh các phóng viên vui vẻ, tác phong nhanh nhẹn như người lính.

Các nhà báo trong chuyến tác nghiệp tại Trường Sa năm 2012.

Các nhà báo nữ ra Trường Sa, thường gần gũi với chiến sĩ trên tàu, trên đảo như những người mẹ, người chị. Phóng viên Phương Hoa (báo Hà Giang) lần đầu ra Trường Sa, nhìn vóc dáng chị nhỏ bé, ai cũng ái ngại không biết có chịu được sóng gió hay không? Vậy mà trong suốt chuyến hành trình, cả đoàn nhà báo phần lớn là say sóng, còn chị vẫn khỏe mạnh đi lại phụ giúp bộ đội trên tàu nấu ăn dọc chuyến hành trình.

Qua các đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn, cánh lính trẻ thường gọi “Mẹ Hoa”. Để về đất liền, cán bộ, chiến sĩ vẫn thường gọi điện hỏi thăm, tâm sự, giãi bày với chị. Một chiến sĩ ở nhà giàn DK1 hồn nhiên gọi về khoe với chị “Má ơi, hạt thì là má gởi cho đã nảy mầm rồi”.

Mấy ai biết được hơn ba mươi năm gắn bó với nghề báo cũng là chừng ấy năm chị gắn bó với bộ đội các đồn biên phòng Hà Giang. Bước chân phóng viên không mỏi đi trên gần 300km đường biên suốt từ Đồn Biên phòng Săm Pun đến Đồn Bản Máy. Năm nào sắp đến Ngày tưởng niệm ở tượng đài Gạc Ma (Cam Ranh), chị cũng nhắc chúng tôi nhớ thắp giùm chị nén hương cho các anh em. Hôm qua, chị lại nằm mơ thấy các anh về…

Nữ nhà báo Lệ Hà (Tạp chí KHCN Khánh Hòa) vẫn thường nhắc đến Trường Sa, ấn tượng cái “mùi lính” khi nằm nghỉ trên chiếc giường của bộ đội, để cả đêm không ngủ, cứ thao thức khóc vì thương lính.

Khi về đất liền gần 10 năm trời, bằng những việc làm thiết thực, chị thầm lặng vận động đóng góp cho Trường Sa. Bắt đầu là những hạt gống, phân bón, cây trồng đến những máy ấp trứng, những con vịt biển, đến những vật dụng sinh hoạt như: Bàn bóng bàn, cuốn sổ tay, cây bút… Lặng thầm chăm sóc, quan tâm như người mẹ, người chị. Nói về chị, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Trường Sa đều nhắc đến với tình cảm thân thương, trìu mến.

Không chỉ là những trang viết, các nhà báo luôn dành những tình cảm sâu nặng và việc làm thiết thực đối với Trường Sa.

Trường Sa hôm nay đã gần hơn với đất liền, thông tin vẫn ngày đêm đi về giữa hai đầu thương nhớ. Báo chí vẫn luôn là những nhịp cầu nối những bờ vui…

                                                                                                                                                                           Tháng 6/2022