Những vụ việc liên quan đến vấn đề xâm hại trẻ em luôn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Việc trẻ em bị xâm hại không chỉ để lại những ảnh hưởng trên cơ thể mà còn khiến các em bị tổn thương sâu sắc về mặt tinh thần. Để hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em rất cần sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ của gia đình và cộng đồng.
Theo thống kê, trong năm 2021, cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện 42 vụ xâm hại người dưới 16 tuổi, với 44 đối tượng và 43 trường hợp bị hại. Trong những tháng đầu năm 2022, phát hiện 24 vụ việc xâm hại trẻ, với 25 đối tượng và 27 trường hợp bị hại.
Các đối tượng chủ yếu lợi dụng sự non nớt của trẻ, gia đình thiếu quan tâm, quản lý để thực hiện hành vi xâm hại. Một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội Zalo, Facebook để nhắn tin làm quen, kết bạn, dụ dỗ trẻ rồi thực hiện hành vi giao cấu, dâm ô, hiếp dâm. Nạn nhân trong các vụ việc xâm hại thường là bé gái; đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân, người quen, thậm chí là người nhà của nạn nhân.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc phát hiện và xử lý các vụ xâm hại trẻ em thường gặp nhiều khó khăn, như: Thu thập chứng cứ không đủ, vụ việc xảy ra chỉ có người xâm hại và trẻ bị xâm hại, không có người làm chứng. Đối tượng xâm hại trẻ em thường đe dọa trẻ bằng nhiều hình thức (như dọa giết hay đưa clip lên mạng...) nên khi sự việc xảy ra một thời gian, hoặc do phát hiện tâm lý thay đổi của trẻ, gia đình động viên, gặng hỏi thì trẻ mới dám kể lại. Một lý do khác là phía gia đình lo sợ ảnh hưởng tới việc học tập và tương lai lâu dài của trẻ nên thường chọn phương án im lặng, không tố cáo nghi phạm với cơ quan chức năng.
Trước thực tế trên, các cấp, ngành của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại. Đáng chú ý là thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi.
Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể chú trọng phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật; nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ việc cấp giấy phép cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ như trò chơi điện tử trên internet, ngăn chặn các trang mạng xấu, độc hại, không phù hợp khiến trẻ bắt chước, ăn chơi hư hỏng và vi phạm pháp luật.
Cùng với đó, gia đình giữ vai trò quan trọng nhất để bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại. Các bậc cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con em mình để kịp thời nhận thấy những thay đổi bất thường về sức khỏe và tâm lý của trẻ; thận trọng khi giao trẻ em cho người khác trông nom, chăm sóc, nhất là trẻ em gái; tăng cường giáo dục về khả năng nhận thức và tự bảo vệ cho trẻ.
Trong trường hợp phát hiện bị xâm hại tình dục, nạn nhân và gia đình phải có thái độ cương quyết, kịp thời trình báo với cơ quan chức năng để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết, tránh để lọt tội phạm.