Danh dự, gia đình và tài sản bị "vùi chôn" vì ma túy. Dù biết rất rõ, nhưng nhiều người trong xã hội không cưỡng được trước cám dỗ ảo giác phù du, họ bị ma túy quật ngã. Trong lúc bị trượt dài nhân cách trên con đường tăm tối, nhiều người trong số họ được các cơ quan chức năng đón nhận, hỗ trợ cai nghiện. Nhưng phần lớn trong số họ tái nghiện ngay sau khi tái hòa nhập cộng đồng.
Hiện, trên toàn tỉnh có hơn 4.300 người nghiện ma túy, chủ yếu là nam giới (99,4%). Trong đó, hơn 3.400 người có mặt tại địa phương, hơn 900 người đi làm ăn xa, không có mặt ở nhà. Loại ma túy được sử dụng phổ biến nhất là heroin và ma túy tổng hợp… Từ hơn 10 năm nay, số lượng người nghiện ma túy không tăng, song không phải dấu hiệu vui, bởi người nghiện đang “trẻ hóa” và thế vào chỗ số lượng người nghiện đã chết.
Dù rằng các cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc, tích cực tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền về tác hại của ma túy đối với sức khỏe con người; cả xã hội vào cuộc, các cấp, ngành chức năng, cộng đồng dân cư, gia đình có người nghiện kiên trì vận động, động viên người nghiện từ bỏ ma túy; đồng thời, chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm phòng ngừa tái sử dụng ma túy cho người nghiện; chia sẻ kỹ năng sống, tạo cơ hội cho người nghiện sống hòa nhập cộng đồng bằng cách tạo công việc làm có thu nhập ổn định, vận động tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ giảm nghèo, thể thao, bạn giúp bạn… nhưng “chứng nào tật ấy”, hầu hết người nghiện chỉ giữ được một thời gian rất ngắn lại tự tìm đến với ma túy.
Nhiều cán bộ có thâm niên làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy tập trung của tỉnh phàn nàn: Gần trọn vẹn một đời làm công tác cai nghiện, chứng kiến hàng nghìn lượt người trở về tái hòa nhập cộng đồng, nhưng chỉ có rất ít người thực sự hoàn lương.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - TB&XH: Trong thời gian từ năm 2011 đến hết năm 2021, các cơ sở cai nghiện của tỉnh đã thực hiện cai nghiện ma túy cho hơn 15.000 lượt người. Bình quân 1 năm có 1.400 người được cai nghiện ma túy.
Riêng năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện ma túy cho hơn 1.431 người, đạt 143,1% kế hoạch/năm. Trong đó có 757 người cai nghiện tập trung, 674 người cai nghiện tại nhà. Điều quan tâm là nhận thức của người nghiện ma túy đã được nâng cao. Minh chứng là số người cai nghiện tự nguyện chiếm tỷ lệ cao. Trong tổng số người tham gia cai nghiện năm 2021, chỉ có 315 người chấp hành cai nghiện bắt buộc, chiếm 22%; 1.116 người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện tập trung và tại nhà.
Năm 2021, các cơ sở cai nghiện của tỉnh có 154 học viên được học nghề (ảnh chụp tại Cơ sở Điều trị nghiện tự nguyện và công tác xã hội TP. Thái Nguyên ).
Nhưng thực tế không như mong muốn. Bởi phần lớn người nghiện ma túy có tâm lý mặc cảm, tự ti. Nhiều trường hợp tự nguyện đến cơ sở cai nghiện ma túy để sau đó được gia đình thưởng xe ô tô, hoặc hiện vật có giá trị. Nhiều trường hợp tự nguyện cai nghiện ở nhà, song chỉ được ít ngày đã bỏ cuộc. Đa số người nghiện ma túy chấp hành cai nghiện để gọi là… có chấp hành. Nên ngay từ ban đầu chấp hành cai nghiện, họ đã nung nấu suy nghĩ ngày “hoàn lương” với một bữa ma túy no nê.
Xác định việc từ bỏ ma túy rất khó khăn đối với người nghiện, nên nhiều trường hợp sau cai nghiện tập trung tiếp tục được quản lý, giám sát chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Trong năm 2021, UBND các huyện, thành phố đã ban hành quyết định quản lý sau cai tại nơi cư trú cho 242 trường hợp sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện bắt buộc.
Một ghi nhận là trong những năm gần đây, các cấp, ngành đã có nhiều quan tâm hơn đến công tác cai nghiện, giáo dục, giúp đỡ người nghiện dứt bỏ ma túy.
Tại các địa phương, công tác quản lý người nghiện chặt chẽ, số người nghiện phát sinh mới không đáng kể. Việc lập hồ sơ cho các đối tượng chấp hành cai nghiện tập trung, cai nghiện tại cộng đồng đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Đặc biệt, trong thời gian chấp hành cai nghiện ma túy tập trung, nhiều người được giáo dục, hiểu đầy đủ hơn về ý nghĩa cuộc sống không ma túy; được học thêm các nghề mới như trồng trọt, chăn nuôi, làm chổi, xây dựng, điện dân dụng, nghề hàn và được học xóa mù chữ.
Trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nhiều từ dịch COVID-19 song các cơ sở cai nghiện của tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tổ chức thành công 6 lớp dạy nghề cho 154 học viên. Sau kết thúc khóa học, các học viên được cấp giấy chứng nhận theo quy định. Và ngày trở về với gia đình, cộng đồng xã hội, nhiều người đã tự tạo được cho mình một cuộc sống mới bằng chính bàn tay lao động.
Trao đổi với chúng tôi về công tác cai nghiện ma túy, bà Hoàng Hữu Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Cơ sở Cai nghiện đa chức năng tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ: Nhiều trường hợp người nghiện ma túy phải ra, vào trung tâm cai nghiện nhiều lần. Chúng tôi không muốn điều đó, nhưng việc vẫn xảy ra. Và ngay cả gia đình người nghiện cũng muốn thân nhân của họ ở lại trung tâm cho yên cửa nhà. Bởi lẽ ấy, chúng tôi xác định rõ nhiệm vụ của mình là phải kiên trì, tận tâm giúp người nghiện từ bỏ ma túy để tái hòa nhập cộng đồng.
Với người sau cai nghiện ma túy, thành công chỉ thực sự khi suốt phần đời còn lại, họ biết nói không với ma túy.