Đau đầu quản lý con trẻ ngày hè

09:30, 12/06/2022

Tháng 6, hoa phượng vĩ nở đỏ rực cả một góc trời, lũ con trẻ háo hức đón những ngày hè thảnh thơi sau bao tháng ngày bận rộn với chuyện học hành, thi cư. Dẫu vậy, hè về, không ít phụ huynh ở Thái Nguyên đau đầu với nỗi lo quản lý con trẻ ngày hè.

Khi nghỉ hè, các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh hầu như đều “đóng cửa”. Bởi vậy, quản lý con như thế nào trong những ngày nghỉ hè đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Anh Nguyễn Duy Thịnh, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên), cho biết: Tôi có một cậu con trai 3 tuổi. Hết tháng 6, trường mầm non đóng cửa, vợ tôi lại đang ở cữ khi vừa sinh thêm em bé chưa đầy 1 tháng tuổi, tôi thì đi làm suốt ngày nên gia đình rất “bí” người trông con trong những tháng hè. Sau khi cân nhắc thật kĩ, chúng tôi quyết định gửi cháu đến một trường mầm non tư thục học tạm trong những ngày nghỉ hè.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện gửi con vào các trường tư thục với mức học phí lên đến 3, 4 triệu đồng/tháng như gia đình anh Thịnh. Vì vậy, có người chọn giải pháp gửi con về quê cho ông, bà trông hộ, người thì mang theo con đi làm. Chị Hà Thị Thanh, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), có con trai 5 tuổi, nói: Chồng tôi đi làm xa, nhà chỉ có hai mẹ con, trong khi tôi phải đi chợ bán hàng cả ngày. Vì vậy, nghỉ hè, mẹ con lại “càm cắp” nhau ra chợ. Bao giờ nhà trường đón trẻ trở lại thì tôi lại cho cháu đi học…

Với trẻ em ở bậc tiểu học và THCS khi nghỉ hè, nhiều gia đình cũng rất đau đầu trong việc quản lý con. Chị Mai Thanh Hà, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) cho hay: Ở tuổi này, lũ trẻ rất nghịch ngợm nên để chúng ở nhà cả ngày tôi không yên tâm. Lo nhất là chúng nghịch ngợm vào ổ điện hoặc tự ý nấu đồ ăn bằng bếp ga rất dễ gây ra tai nạn. Vì thế, vợ chồng tôi vừa lắp camera để khi đi làm vẫn có thể theo dõi con.

Không chỉ lo sợ con gặp thương tích khi ở nhà do không có sự giám sát của người lớn trong những ngày hè, nhiều phụ huy còn rất lo lắng khi con cái có biểu hiện sa đà vào chơi game. Chị Nguyễn Thanh Thúy, ở phường Phố Cò (TP. Sông Công), kể: Con tôi năm nay lên lớp 7. Nghỉ hè, việc học tạm gác lại, trường học đóng cửa, các trung tâm gia sư đang dồn sức ôn luyện cho các anh, chị thi tốt nghiệp THPT và đại học nên cháu được nghỉ cả ngày. Là cậu bé hiếu động, cháu rất thích các trò chơi điện tử. Do đó, tôi đành phải “thu” điện thoại và máy tính của cháu… Dù vậy, đi làm, vợ chồng tôi vẫn phấp phỏng lo âu không biết con có trốn đi chơi game ngoài quán net hay không?

Ở thành thị đã vậy, ở khu vực nông thôn, việc quản lý con trẻ ngày hè cũng gian nan không kém. Ông Vũ Văn Bình, một người dân ở xã Bình Thuận (Đại Từ), chia sẻ: Nghỉ hè, hai cháu nội của tôi (một cháu gái học lớp 2 và một cháu trai học lớp 6) không phải đến trường. Bố, mẹ chúng đi làm ở Công ty cả ngày, bà nhà tôi thì đi chợ bán hàng nên ở nhà chỉ có ba ông cháu. Nhiều khi tranh thủ ra thăm đồng khoảng 30 phút, về nhà đã không thấy chúng đâu. Đi tìm khắp nơi thì thấy hai đứa đã rủ nhau ra suối tắm. Những hôm nắng, nước suối cạn thì đỡ lo chứ hôm nào trời mưa to, nước từ đầu nguồn đổ về cuồn cuộn, nếu không trông cẩn thẩn, để chúng chạy ra suối nghịch rất dễ bị đuối nước. Bởi vậy, tôi không dám rời mắt khỏi chúng…

Rõ ràng, hè là thời điểm lũ trẻ được xả hơi, nghỉ ngơi và khám phá thế giới xung quanh. Dù vậy, đây cũng là khoảng thời gian trẻ gặp nhiều rủi ro, tai nạn thương tích, đuối nước nếu vui chơi quá đà. Bởi vậy, dù khá vất vả trong việc quản lý con cái trong dịp hè, các bậc phụ huynh vẫn nên có sự giám sát, có cách quản lý phù hợp, nắm bắt tâm lý kịp thời để giúp các con có kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh và bổ ích.