Gia đình thời nay - một vài suy nghĩ

05:33, 28/06/2022

Trong nhiều gia đình của chúng ta hiện nay đang tồn tại những mâu thuẫn khá lớn về quan điểm và cách sống giữa các thế hệ. Cha mẹ nhiều khi cảm thấy bất lực vì sự đối lập của con cái và thấy hụt hẫng vì kiến thức của mình không còn đủ để dậy dỗ con trẻ. Và nhiều đứa trẻ cứ từng bước vượt ra khỏi vòng tay, tầm kiểm soát của cha mẹ. Những đạo lý, thuyết giáo truyền thống của ông cha, gia đình để lại giờ đây không còn đủ sức thuyết phục và trói buộc được chúng… 

Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều đứa trẻ luôn cảm thấy ngôi nhà của chúng ngày càng trở nên quá chật hẹp và nhỏ bé, không còn đủ chỗ để cho chúng “vẫy vùng, bơi lội” nữa! Từ đó dẫn tới tâm lý muốn “tháo cũi, sổ lồng”, không chấp nhận những thực tại của gia đình. Nhẹ thì chúng âm thầm chịu đựng theo cách nghe nhưng để đấy, không tuân thủ ý kiến của cha mẹ, nặng nề hơn là chúng cãi lại cha mẹ thậm chí có em bỏ nhà “đi bụi”. 

Vấn đề đặt ra ở đây là nguyên nhân nào làm cho những mâu thuẫn trong nhiều gia đình thời nay ngày càng trở nên gay gắt và sâu sắc như vậy? Chúng ta cần làm gì để hạn chế phát sinh mẫu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình? Cần hay không những giáo lý truyền thống gia đình?

Trước tiên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu và phân tích về những nguyên nhân dẫn tới những mâu thuẫn thường gặp của cha mẹ và con cái trong một gia đình hiện nay. Nguyên nhân thì rất nhiều, có thể đó là sự bất đồng về quan điểm, về lối sống… Vậy điều gì đã và đang chi phối cuộc sống của mỗi gia đình chúng ta hiện nay? 

Điều đầu tiên xin nói tới đó là sự phát triển của kinh tế - xã hội. Qua hơn 30 năm đổi mới, kinh tế nước ta có những bước tiến nhanh chóng. Nó đem lại cho đất nước và mỗi người dân chúng ta một cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, đó cũng chính là cơ sở, là nền tảng cho văn hóa, xã hội có đà phát triển. Đời sống nâng cao, nhu cầu thụ hưởng về văn hóa tinh thần của các gia đình cũng ngày một cao. Nhà nhà có ti vi, máy vi tính nối mạng in-tơ-nét, người người có điện thoại thông minh (smatphone)… Mọi người dễ dàng kết nối trên facebook, giao lưu với bạn bè. Tuy nhiên, sự hội nhập cũng kéo theo những hệ lụy không thể tránh khỏi, đó là những trào lưu văn hóa trên thế giới tràn vào mà giới trẻ dễ bị ảnh hưởng, tác động sớm nhất và lớn nhất. 

Điều dễ nhận thấy trong giới trẻ hiện nay đó là những thay đổi về “gu” thẩm mỹ và “gu” âm nhạc, với đủ kiểu thời trang được trưng ra. Trong khi người già thì cảm thấy bức xúc, khó chịu, cho đó là kệch cỡm, lố lăng. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn giữa già và trẻ. 

Trong thế giới mở hiện nay, chúng ta có thể giao tiếp với cộng đồng trong và ngoài nước thông qua vài cái “kích chuột”. Giới trẻ ngày nay rất thông minh và năng động, vì vậy các em dễ dàng làm chủ những phương tiện kỹ thuật hiện đại như smatphone, máy tính bảng, máy vi tính để bàn có kết nối mạng In-tơ-nét… Và như vậy các em có thể tự học hỏi và trau dồi vốn tri thức cho bản thân rất nhanh mà không cần thông qua thầy, cô giáo hay cha mẹ. Ngược lại, nhiều khi cha mẹ còn phải học con cái mình về cách thức sử dụng các phương tiện kể trên. Như vậy, vô tình vai trò của cha mẹ trong gia đình không còn là “thống soái” như trước. 

Một điều nữa chúng ta dễ nhận thấy là giờ đây, trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã có nhiều thay đổi so với 30-40 năm trước. Nếu như quan hệ trước kia thuần túy là xuôi chiều theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” thì ngày nay, xu thế cha mẹ là người bạn lớn đồng hành với con cái đang trở nên phổ biến trong những gia đình Việt hiện đại. Cha mẹ cũng phải biết tôn trọng, lắng nghe ý kiến của các con… Vì thế đòi hỏi cha mẹ phải thay đổi tư duy, có như vậy mới tránh được những mâu thuẫn trong gia đình. Tuy nhiên, đối với các bậc cha mẹ có tính bảo thủ thì làm được như trên là điều rất khó, nên trong những gia đình như vậy thì mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái có phần gay gắt hơn rất nhiều. Tóm lại, nguyên nhân chủ yếu gây ra những mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái là sự khác biệt về quan điểm, nhận thức cũng như trình độ. 

Một nguyên nhân nữa là hiện nay, công nghệ thông tin giống như “con dao hai lưỡi”. Nó thật sự hữu ích cho những ai biết vận dụng thích hợp, hiệu quả vào các lĩnh vực học tập, nghiên cứu, tự trau dồi tri thức cho bản thân, hoặc kết nối với bạn bè, nhưng nó cũng vô cùng tác hại khi người ta sử dụng những thành tựu công nghệ vào mục đích tiêu cực. 

Con trẻ thường rất tò mò về mọi vấn đề, ngày xưa chúng chỉ có thể hỏi thầy, cô giáo, cha mẹ thì ngày nay chỉ cần vào mạng là các con có thể được giải đáp về nhiều vấn đề, lĩnh vực. Chúng ta không nên cấm đoán con trẻ tiếp xúc và sử dụng các phương tiện, thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, nhưng cần hướng con trẻ sử dụng chúng vào những mục đích thiết thực và cũng cần nghiêm khắc với trẻ khi cần thiết…

Trên đây là một số nguyên nhân lớn có thể dẫn tới những mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Có lẽ không có một lời giải hoàn hảo nào cho điều này. Nhưng chúng ta - những người làm cha mẹ - cũng cần phải thay đổi tư duy, nhận thức về con trẻ, về xã hội, thường xuyên tự học tập, trau dồi tri thức để có thể tự chủ được bản thân, thích ứng với những thay đổi của xã hội và cũng nên học để biết sử dụng nhiều loại thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, trước tiên là tự phục vụ mình, sau nữa là để tránh tình trạng quá lạc hậu so với xã hội. Làm được điều đó chính là ta đã tự khẳng định được mình, để con cái cảm thấy tự hào về cha mẹ của mình không hề thua kém những người xung quanh. 

Cùng với đó là tránh tình trạng “làm thay, làm hộ” cho con, tránh giáo điều, nói suông, tránh gò ép một cách máy móc, buộc con cái phải làm mọi việc theo ý cha mẹ.  Mỗi ngày, các bậc làm cha, làm mẹ chú tâm gần gũi, lắng nghe mọi tâm tư tình cảm, nguyện vọng của các con, để con luôn cảm thấy cha mẹ là những người bạn lớn mà chúng sẵn sàng chia sẻ mọi vui buồn… Nếu làm được như vậy chắc chắn sẽ hạn chế được những mâu thuẫn, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. 

Còn với câu hỏi: Cần hay không những giáo lý truyền thống gia đình? Phải nói giáo lý truyền thống trong mỗi gia đình là vô cùng quan trọng và cần thiết. Bởi từ lâu ông cha ta đã dạy: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Câu nói đó ẩn chứa ý nghĩa rất sâu xa: Muốn yên thiên hạ thì trước tiên trong mỗi gia đình phải yên đã. Tuy nhiên, ngày nay, những giáo lý truyền thống cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp với thời đại. Vậy nên chúng ta không xem nhẹ những giáo lý truyền thống trong gia đình nhưng cũng cần có sự điều chỉnh hợp lý, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại để có một gia đình hiện đại mà vẫn không đánh mất những nét truyền thống…