Thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật tại doanh nghiệp (DN) không phải để bắt lỗi, mà để chỉ rõ hạn chế, yếu kém, giúp DN khắc phục kịp thời, ổn định sản xuất, kinh doanh, hạn chế được rủi do, tổn thất không cần thiết. Ông Phạm Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng An toàn vệ sinh lao động (AT - VSLĐ) tỉnh chia sẻ như vậy.
Nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho DN và người lao động, hàng năm Hội đồng AT - VSLĐ tỉnh chủ động thành lập đoàn công tác liên ngành, thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về AT - VSLĐ. Qua đó giúp người sử dụng lao động hiểu đầy đủ hơn các quy định của Nhà nước về công tác quản lý nhân lực, vật lực. Đồng thời tư vấn cho DN khắc phục ngay những khiếm khuyết tồn tại. Tạo thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh ổn định, đúng quy định của pháp luật.
Ông Park Myungseok, Tổng Giám đốc Công ty TNHH WoojinQPD Vina, phường Hồng Tiến (TP. Phổ Yên), chia sẻ: Trong sản xuất, kinh doanh, chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn một vài lỗi nhỏ được đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Thái Nguyên phát hiện, chỉ ra. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi tiếp thu và lập tức khắc phục.
Công ty TNHH WoojinQPD Vina là một trong tổng số hơn 4.700 DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, phù hợp với các quy định của pháp luật Nhà nước.
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần CNT Group, xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên), cho biết: Được các thành viên Hội đồng AT - VSLĐ đến kiểm tra, chúng tôi có cơ hội kê chỉnh, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Như việc đầu tư cải thiện điều kiện làm việc an toàn cho người lao động; đồng thời tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Trưởng Phòng Chính sách lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội): Qua công tác kiểm tra việc DN chấp hành các quy định pháp luật về AT - VSLĐ, điều dễ nhận thấy là còn không ít chủ sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ về công tác này. Thậm chí vẫn còn hiện tượng DN tiết kiệm kinh phí đầu tư cho công tác AT - VSLĐ; chưa có ý thức chấp hành tốt các quy định pháp luật về AT - VSLĐ dẫn đến vi phạm, thiếu tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn lao động. Mọi vi phạm được đoàn kiểm tra lập biên bản nhắc nhở, yêu cầu đơn vị vi phạm khắc phục ngay và có báo cáo bằng văn bản về Hội đồng AT - VSLĐ tỉnh theo quy định.
Các vi phạm của DN liên quan đến công tác AT- VSLĐ thường thấy là: Chưa tổ chức huấn luyện; có huấn luyện nhưng chưa đủ số lượng người lao động đang làm việc tại đơn vị. Hoặc có tổ chức huấn luyện song phân nhóm huấn luyện chưa đúng nhóm đối tượng. Vi phạm về công tác báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất về tình hình tai nạn lao động…
Khi làm việc, người lao động của Công ty cổ phần CNT Group, xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên) phải sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân do Công ty cấp phát.
Nguyên nhân dẫn đến vi phạm chủ yếu do người sử dụng lao động còn hạn chế về trình độ quản lý; thiếu kiến thức pháp luật; chưa nắm vững các quy định của Nhà nước về công tác quản lý.
Ví dụ như việc quản lý các loại máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, hầu hết các DN đã mời đơn vị được Nhà nước cấp phép thẩm định, kiểm định kỹ thuật an toàn, nhưng lại không báo cáo đã thẩm định với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định; giao việc cho người vận hành cầu trục song không có quyết định bằng văn bản; phương tiện bảo vệ cá nhân được DN cấp phát cho người lao động nhưng DN không có quy định về định mức cấp phát…
Bà Lương Thị Thu Thảo, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Giấy Trường Xuân, phường Bãi Bông (TP. Phổ Yên), cho biết: Chi nhánh thường xuyên cấp phát bảo hộ cho người lao động, nhưng chúng tôi không bao giờ vào sổ.
Còn bà Đinh Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hà Căn, phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên), nói: Vì chưa được cơ quan chức năng hướng dẫn nên chúng tôi chưa biết, chưa làm. Tôi cam kết sẽ khắc phục ngay các tồn tại do đoàn kiểm tra yêu cầu.
Trao đổi với chúng tôi về công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về AT - VSLĐ, ông Vũ Xuân Trình, Phó Giám đốc Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Thái Nguyên (TP.Thái Nguyên), phấn chấn nói: Sản phảm của Công ty đều là hàng hóa đặc biệt, được đoàn công tác của tỉnh đến kiểm tra, chúng tôi mong được chỉ ra những sai sót để khắc phục.
Còn tại Công ty TNHH Jeil C&C Vina, phường Cải Đan (TP. Sông Công), ông Kim Chang Ki, Giám đốc sản xuất khẳng khái: Chúng tôi đến Thái Nguyên - Việt Nam để sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi tuân thủ mọi quy định của pháp luật nước sở tại. Chúng tôi sẵn lòng hợp tác với đoàn kiểm tra, vì chúng tôi biết các bạn đến là để giúp chúng tôi hoàn thiện mình hơn…
Đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát, mọi hoạt động trong xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Theo đó, nhiều DN trở lại hoạt động và có thêm nhiều DN thành lập mới. Họ rất cần các cơ quan chức năng của tỉnh đồng hành, hướng dẫn để sản xuất, kinh doanh an toàn, đạt hiệu quả cao.