3.905 địa chỉ nhân đạo (gia đình khó khăn) với 6.787 lượt người được trợ giúp về lương thực, tiền mặt hàng tháng, vốn sản xuất, cấp thẻ bảo hiểm y tế... trị giá trên 24 tỷ đồng, là kết quả nổi bật mà các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đạt được từ Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” 5 năm qua.
Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 2008, nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và thường xuyên.
Hưởng ứng Cuộc vận động, những năm qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tuyên truyền, triển khai đến 100% cơ sở hội, với phương châm mỗi tổ chức, cá nhân, tập thể nhận giúp đỡ một đối tượng khó khăn tại chính đơn vị mình trong điều kiện, khả năng phù hợp.
Ông Phạm Quang Sáng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cho biết: Để sự trợ giúp đúng với nhu cầu, nguyện vọng từng hoàn cảnh, đúng đối tượng, các cấp Hội đã khảo sát, lập hồ sơ những đối tượng như: Hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ khuyết tật, mồ côi, người già neo đơn, người mắc bệnh hiểm nghèo... Cùng với đó là đưa thông tin, hình ảnh, nhu cầu cần trợ giúp của các đối tượng lên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử; vận động cán bộ, hội viên, các tầng lớp nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký trợ giúp các đối tượng theo hồ sơ giới thiệu.
Hình thức trợ giúp là về vật chất, vốn phát triển sản xuất, ngày công lao động, hỗ trợ điều trị bệnh... Những cách làm như thế đã phần nào khắc phục khó khăn hiện tại của nhiều mảnh đời kém may mắn, tạo động lực giúp họ từng bước vươn lên, ổn định cuộc sống.
Riêng từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã giới thiệu và gắn mới được 1.045 địa chỉ, với trên 1.500 lượt đối tượng được giúp đỡ, trị giá trên 4,6 tỷ đồng.
Em Đào Hồng Đăng, tổ dân phố 8, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), là một trong những trường hợp như thế. Bố em qua đời đã lâu, mẹ bỏ đi khi em mới lọt lòng, em bị mù bẩm sinh. Em đang sống cùng ông bà nội già yếu, bệnh tật. Trước hoàn cảnh đó, Hội Chữ thập đỏ phường đã vận động cán bộ, hội viên và người dân hỗ trợ. Mỗi tháng em được hỗ trợ 20kg gạo ăn (trong vòng 1 năm).
Ông Đào Văn Thoa, ông nội của Đăng xúc động nói: Cháu quá thiệt thòi so với chúng bạn, bởi vậy sự quan tâm hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ ở thời điểm này có ý nghĩa động viên rất lớn với gia đình chúng tôi.
Trong dịp Tháng Nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ phường Tân Thịnh ngoài trao quà hỗ trợ cho 10 hộ nghèo, gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng), còn gắn 4 địa chỉ nhân đạo cho 4 trường hợp đặc biệt khó khăn của phường (hỗ trợ mỗi hộ 20kg gạo/tháng trong vòng 1 năm).
Với suy nghĩ giúp đỡ từ những việc nhỏ nhất để động viên, đồng hành với những mảnh đời kém may mắn được lâu nhất, không ít tổ chức, cá nhân bằng các mối quan hệ, khả năng của mình đã tích cực tham gia Cuộc vận động và mang lại hiệu quả cao.
Điển hình như cô giáo Phùng Thị Thương, Trường Tiểu học Cúc Đường (Võ Nhai). Thông qua kết nối, vận động từ người thân, bạn bè, mạng xã hội, cô đã trợ giúp nhu yếu phẩm, thuốc men trị giá từ 300-600 nghìn đồng/tháng cho các em học sinh, người dân có hoàn cảnh khó khăn trong vòng 1 năm trở lên.
Cô giáo Phùng Thị Thương (Trường Tiểu học Cúc Đường, Võ Nhai) và anh Vũ Xuân Hồng, Chủ cơ sở sản xuất inox mạ màu Hồng Phát (TP. Sông Công), trao biển gắn địa chỉ cho các hoàn cảnh khó khăn tại Lễ phát động Tháng Nhân đạo năm 2022.
Hay như cán bộ, nhân viên của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, từ tháng 7-2021 đến nay, cũng góp tiền để tặng quà, đồng thời hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng cho gia đình ông Nguyễn Văn Chân, xóm Tân Sơn, xã Đào Xá (Phú Bình), là người có công với cách mạng, một mình nuôi 2 cháu nội ăn học...
Đặc biệt, từ năm 2020, Cuộc vận động được triển khai thuận lợi, bài bản và thu hút được nhiều người tham gia hơn khi Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai Dự án iNHANDAO (Ngân hàng dữ liệu địa chỉ nhân đạo Quốc gia). Tại đây, địa chỉ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sẽ được thông tin công khai và minh bạch; bảo đảm trợ giúp đúng đối tượng, đúng nhu cầu.
Từ khi hệ thống đi vào hoạt động đã có 110 địa chỉ có hoàn cảnh khó khăn được đăng tải, giới thiệu; trên 30 trường hợp được trợ giúp với tổng số tiền hàng chục triệu đồng.
Thực hiện tốt Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, các cấp Hội CTĐ trong tỉnh đã thể hiện được vai trò là cấu nối, điều phối trợ giúp nhân đạo, giúp nhiều hoàn cảnh éo le vươn lên. Qua đó khơi dậy, phát huy tình đoàn kết, tương thân tương ái để phong trào “Người người làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện” lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.