Tôi đến với nghề báo như một cái duyên. Với tôi, nghề báo tuy nhiều vất vả, hiểm nguy nhưng cũng đầy thú vị. Ngay từ khi chập chững bước chân vào nghề, một anh đồng nghiệp đã nói với tôi rằng: “Nếu chỉ để kiếm tiền thì không nên làm nghề báo”. Tôi vẫn nhớ như in câu nói ấy đến tận bây giờ và luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm và cả cám dỗ khi làm nghề.
Nguy hiểm nhất với nghề báo có lẽ là những lần tiếp cận, điều tra các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật. Chắc hẳn là những người làm báo chẳng còn lạ lẫm gì với những tin nhắn, cuộc điện thoại mang tính chất đe dọa, chửi bới và thậm chí còn bị hành hung trong quá trình tác nghiệp… Nhiều người hỏi chúng tôi có sợ không? Đương nhiên là chúng tôi sợ! Chúng tôi sợ không chỉ cho chính bản thân mình mà còn sợ cho cả những người thân trong gia đình khi những kẻ đe dọa có tính côn đồ thực sự. Chúng sẵn sàng ra tay bất cứ lúc nào nếu biết chúng tôi phanh phui ra những sai phạm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chúng…
Nguy hiểm là thế, vậy làm báo có giàu không? Đó là câu hỏi chúng tôi thường nhận được. Thực tế là với số tiền nhuận bút ít ỏi cộng với lương cơ bản mỗi tháng, hầu hết các nhà báo đều đang phải chật vật trong cuộc sống, đôi khi gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” đè nặng trên vai. Đặc biệt là đối với những phóng viên trẻ mới vào nghề, chưa thể lường hết những hậu quả, hệ lụy khắc nghiệt mà từ hành vi bột phát có thể mang đến.
Những cám dỗ về vật chất cộng với các mánh khóe của một số doanh nghiệp, cá nhân có hành vi trái pháp luật là một miếng mồi nhử, là con đường rất dễ dẫn dụ nhà báo nào thiếu bản lĩnh sa vào vòng lao lý... Bởi có không ít cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật đã dùng rất nhiều tiền bạc, đồ vật có giá trị “tặng”, “cảm ơn” nhà báo để được bỏ qua hoặc viết sai sự thật nhằm bao che, dung túng cho những sai phạm. Thực tế là đã có không ít nhà báo vì mù quáng và lòng tham trước sự cám dỗ của đồng tiền mà “thoái hóa, biến chất”. Minh chứng là thời gian gần đây không ít nhà báo có hành vi nhận tiền hối lộ hoặc tống tiền doanh nghiệp bị cơ quan công an phát hiện, bắt giữ. Đây là bài học cảnh tỉnh và cũng là một nỗi đau, nỗi khắc khoải đối với bất cứ đồng nghiệp nào trong làng báo.
Phóng viên Báo Thái Nguyên tác nghiệp tại một điểm nóng khai thác đất trái phép thuộc khu vực giáp ranh giữa phường Bách Quang và xã Tân Quang (TP. Sông Công).
Không phải ngẫu nhiên mà nghề báo được xếp vào danh sách những nghề áp lực cao nhất thế giới, chỉ nặng nhọc sau thợ mỏ và nguy hiểm sau nghề cảnh sát. Nghề báo đầy vinh quang nhưng cũng nhiều cám dỗ bủa vây, nhiều nụ cười nhưng cũng không thiếu những giọt nước mắt. Nếu như không được tôi luyện kỹ càng, thấm nhuần đạo đức nghề nghiệp và đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước và Nhân dân lên trên tất cả thì nhà báo rất dễ sa ngã, bị cuốn vào những sai phạm... Vì một phút vội vàng mà đưa lên mặt báo những thông tin chưa được kiểm chứng kỹ càng; vì một giây hạ mình trước sức mạnh của đồng tiền nhơ bẩn; hay do một thoáng suy nghĩ tính toán vụ lợi cá nhân… đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, đồng thời hủy hoại thanh danh nghề nghiệp mà cả đời nhà báo phấn đấu, tôi luyện...
Khó khăn, cám dỗ là vậy, nhưng vượt lên trên tất cả, hầu hết các nhà báo, người làm báo chân chính vẫn luôn yêu nghề, nhiệt huyết với công việc, xem nghề báo như một phần huyết mạch chảy trong tim mình. Bởi với chúng tôi, khi đã xác định gắn bó với nghề báo là phải thực sự nỗ lực hết mình, phải xứng đáng với danh xưng, với niềm tin tưởng của Nhân dân đối với người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng…