Ngôi nhà chung của những người lầm lỡ

03:19, 26/06/2022

"Ngoài việc được cắt cơn nghiện, chúng tôi còn được tham gia làm vườn, nuôi lợn, sản xuất chè, đan lát... cảm thấy rất thoải mái như ở nhà vậy". Đó là chia sẻ của các học viên đang cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện huyện Đại Từ.

Một ngày giữa tháng 6, chúng tôi có dịp đến Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện huyện Đại từ. Cơ sở rộng tới 10ha với những nương chè xanh mướt, hồ nước trong mát, vườn rau, cây ăn quả... làm dịu đi cái nắng nóng gay gắt của mùa Hè.

Đang chăm bón những luống chè, thấy chúng tôi, anh Ma Công S., sinh năm 1974, nhà ở xã Điềm Mặc (Định Hóa), dừng tay và vui vẻ trò chuyện: Sau khi học xong THCS, tôi nghỉ học và đi làm tự do ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Năm 30 tuổi, tôi bắt đầu hút ma túy, làm ra được đồng nào tôi đều "nướng" hết vào ma túy. Ma túy đã khiến cho cuộc sống của tôi gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến những người thân trong gia đình. “Thà muộn còn hơn không”, với suy nghĩ đó, tôi đã xin vào Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện. Sau gần 1 năm vào đây, tôi nhận được những lời động viên, sự chăm sóc tận tình của cán bộ, nhân viên Cơ sở. Đến nay, tôi đang ở giai đoạn cắt cơn, phục hồi sức khỏe.

Nơi tập trung đông học viên hơn cả là khu quấn dây điện, mọi người vừa làm việc vừa trò chuyện rất rôm rả. Trong số 20 học viên đang làm tại đây thì người vui nhất là anh Lê Văn T., ở xã Tân Thái (Đại Từ), bởi chỉ còn 2 tháng nữa khi hết thời gian điều trị, anh sẽ sang Hàn Quốc lao động.

Anh T. cho hay: Vào đây, tôi được cắt những cơn vật vã vì “đói” thuốc, được tham gia lao động, sản xuất như ở nhà; đồng thời còn được học nghề quấn dây điện, đan lát. Với mong muốn tránh bị bạn bè rủ rê, lôi kéo vào những tệ nạn xã hội, tôi quyết định đi xuất khẩu lao động sau khi hết thời gian cai nghiện. 

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Cơ sở chia sẻ: Nhằm giúp học viên tập trung cai nghiện, người thân yên tâm khi gửi gắm con em mình, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để học viên khi vào đây được sinh hoạt, lao động như ở nhà. Cán bộ của Cơ sở luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, hết lòng vì học viên, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, chữa trị từ khâu cắt cơn, tuyên truyền, giáo dục, phục hồi hành vi; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học viên nhằm kịp thời giải tỏa những bức xúc dồn nén, không để tích tụ; tạo điều kiện để học viên được tham gia lao động sản xuất, học nghề nhằm góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn, có kiến thức phát triển kinh tế gia đình sau khi trở về địa phương. Ngoài ra, các hoạt động văn nghệ, thể dục cũng được Cơ sở thường xuyên tổ chức.

Trung bình mỗi năm, Cơ sở tiếp nhận trên 70 học viên vào cai nghiện tự nguyện. Học viên không chỉ ở huyện Đại Từ mà còn đến từ các địa phương khác như huyện Định Hóa, TP. Thái Nguyên. Nhiều học viên sau cai nghiện đã tham gia lao động tại các công ty, nhà máy, xuất khẩu lao động đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình.