Phục hồi thị trường xuất khẩu lao động

06:46, 13/06/2022

Hiện nay, đại dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt, mọi hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại trạng thái bình thường. Nhờ đó, thị trường lao động tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cởi mở hơn để chào đón nguồn nhân lực. Cơ hội phục hồi xuất khẩu lao động (XKLĐ) được mở ra trên cả nước và Thái Nguyên cũng không đứng ngoài cuộc.

Sau một thời gian dài chờ cơ hội ra nước ngoài làm việc, tháng 3-2022, anh Lương Văn An, ở xã Yên Đổ (Phú Lương) đã được nhập cảnh vào Đài Loan làm công nhân tại Công ty HHCP đúc Thành Hưng. Cùng chung niềm vui đó, chị Lê Thùy Linh, xã Bình Thành (Định Hóa) cũng được nhập cảnh vào Nhật Bản làm hộ lý tại Công ty Syakaiiryohoujin Seichoukai vào tháng 4 năm nay. Giấc mơ XKLĐ đã mỉm cười với họ.

Anh An, chị Linh là hai trong tổng số 485 công dân Thái Nguyên được nhập cảnh vào Nhật Bản, Hungary, Trung Quốc và Đài Loan làm việc trong thời gian 5 tháng đầu năm nay. Trong đó, Nhật Bản là thị trường XKLĐ đông nhất với hơn 300 người, Đài Loan gần 170 người, còn lại vào các nước Hungary, Trung Quốc, Romania và Singapore. Theo thông tin từ các gia đình có người đi XKLĐ: Hầu hết con em của họ đã có tiền lương gửi về giúp đỡ người thân trang trải cuộc sống.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (TB&XH): Trong giai đoạn 2011-2019, bình quân mỗi năm có hơn 1.500 con em Thái Nguyên đi XKLĐ. Người lao động chủ yếu đến các thị trường tại Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và các quốc gia Trung Đông… Cá biệt, năm 2019 có trên 2.000 người đi XKLĐ (đạt 201,8% kế hoạch năm). Nhưng từ năm 2020, nhiều nước trên thế giới hạn chế nhập cảnh để phòng, chống sự lây lan của dịch COVID-19, trong cả năm Thái Nguyên chỉ có hơn 1.300 người lao động được nhập cảnh vào làm việc tại các nước bạn. Sang năm 2021 thị trường XKLĐ gần như đóng băng, cả tỉnh chỉ có 653 trường hợp đi XKLĐ. Cho đến đầu năm 2022, dịch bệnh dần được kiểm soát, thị trường lao động tại các nước và các vùng lãnh thổ trên thế giới mở cửa trở lại. Các cơ quan chức năng của tỉnh cùng các đơn vị, doanh nghiệp tham gia lĩnh vực XKLĐ đã nắm lấy cơ hội, tạo thuận lợi cho người lao động có nhu cầu ra nước ngoài làm việc.

Nhiều người được tư vấn tham gia xuất khẩu lao động đến các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan.

Hiện có hơn 50 đơn vị, doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực XKLĐ trên địa bàn của tỉnh, nhưng Sở Lao động - TB&XH chỉ hợp tác với những doanh nghiệp thực sự có năng lực, làm việc hiệu quả, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Tại các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức, nhiều doanh nghiệp tham gia đăng ký tuyển dụng hàng nghìn chỉ tiêu XKLĐ và du học nước ngoài. Như Tập đoàn ICO Group Chi nhánh Thái Nguyên có nhu cầu tuyển 500 chỉ tiêu du học Nhật Bản và Đài Loan. Người lao động có thể vừa học, vừa làm, có thu nhập từ 14 đến 35 triệu đồng/người/tháng. Còn với Công ty cổ phần phát triển nhân lực quốc tế Yamato (TP. Thái Nguyên) có nhu cầu tuyển 1.000 lao động đi làm việc theo chương trình thực tập sinh ở Nhật Bản, chủ yếu ở các ngành nghề: Nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, thực phẩm, may mặc, chăm sóc sức khỏe… với mức thu nhập từ 22 đến 35 triệu đồng/người/tháng...

Việc các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới mở cửa chào mời người lao động nước ngoài vào hợp tác, thể hiện rõ ràng tín hiệu tích cực về sự khởi sắc của thị trường XKLĐ. Các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực XKLĐ trên địa bàn tỉnh nhanh chóng trở lại hoạt động phù hợp với tình hình mới. Người lao động trước khi xuất cảnh được học nghề, học tiếng, tìm hiểu phong tục tập quán, pháp luật của nước sẽ đến làm việc để ngay sau khi nhập cảnh có thể phát huy được năng lực bản thân, làm việc hiệu quả và đạt mức lương cao nhất có thể.

Nhằm hoàn thành chỉ tiêu về XKLĐ, đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người đi XKLĐ, Sở Lao động - TB&XH đã chủ động phối hợp với các cấp, ngảnh, đơn vị tuyên truyền rộng rãi đến người dân về hoạt động XKLĐ; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung về công tác bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài; đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Sở cũng đã chủ động lồng ghép trong các hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động, buổi truyền thông triển khai chương trình việc làm của tỉnh. Đồng thời ban hành văn bản yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành tổ chức tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động; yêu cầu người đi XKLĐ phải tham gia đầy đủ khóa học, có bài kiểm tra cuối khóa đạt yêu cầu mới được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức theo quy định.

Việc hỗ trợ cho người đi XKLĐ có thời hạn theo hợp đồng đã trực tiếp giúp nâng cao thu nhập cho người lao động, giúp gia đình người lao động ổn định cuộc sống, vươn lên trong phát triển kinh tế. Đặc biệt hơn cả, trong thời gian làm việc ở nước ngoài, trình độ tay nghề, kỹ năng sống, tác phong làm việc của người lao động được nâng cao. Để sau khi hết hạn hợp đồng lao động trở về nước, họ có thêm cơ hội vươn lên làm giàu cho chính gia đình mình và xã hội.