Từ ngày 1-7, mức lương tối thiểu vùng tăng lên 6% theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động. Thực hiện quy định này, nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã trên địa bàn tỉnh sẽ tăng lương cho NLĐ. Tuy vậy, cũng có nhiều đơn vị giữ nguyên mức lương của NLĐ hiện tại vì đã bảo đảm mức tối thiểu sắp sửa áp dụng.
Hiện có trên 80 nghìn NLĐ làm việc tại các DN trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh, trong đó trên 95% NLĐ làm việc trong DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo ghi nhận của chúng tôi, đến nay, tại nhiều DN FDI, NLĐ cơ bản đã được phổ biến chính sách tăng lương tối thiểu vùng; tổ chức công đoàn, phòng quản lý nhân sự- kế toán của các doanh nghiệp cũng đang khẩn trương rà soát những trường hợp thuộc diện được nâng lương theo quy định.
Tuy nhiên, sẽ không có quá nhiều biến động về lương của NLĐ làm việc tại KCN. Bởi lẽ hiện nay lương của NLĐ cơ bản cao hơn hoặc bằng so với mức tối thiểu vùng sắp sửa áp dụng.
Chị Trần Thị Vân, phụ trách kế toán – nhân sự tại Công ty TNHH Bjsteel Việt Nam ở khu A, KCN Sông Công I (TP. Sông Công) cho biết: Theo NĐ38/2022 áp dụng đối khu vực vùng II, Công ty chúng tôi sẽ phải trả lương tối thiểu cho NLĐ bằng 4,16 triệu đồng. Trong khi lương cơ bản của NLĐ tại Công ty hiện dao động từ 4,2- 4,4 triệu đồng/người/tháng nên đã bảo đảm quy định.
Giống như Công ty TNHH Bjsteel Việt Nam, tại Công ty TNHH RFTECH Thái Nguyên ở KCN Điềm Thụy và Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam ở KCN Yên Bình... hiện nay mức lương cơ bản của NLĐ cũng cao hơn so lương tối thiểu vùng theo NĐ38/2022.
Tuy vậy, trước bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng với tình trạng vật giá “leo thang”, theo đại diện NLĐ tại các DN này, họ đang tích cực đề xuất chủ DN tăng lương.
Sở dĩ, lương tối thiểu tăng thêm 6% so với năm 2021 và tại nhiều DN FDI không áp dụng tăng lương cho NLĐ song vẫn bảo đảm mức lương tối thiểu vùng là bởi từ năm 2021, Nhà nước quy định lương tối thiểu vùng phải tăng cao hơn ít nhất 7% đối với NLĐ làm công việc đòi hỏi họ đã qua học nghề, đào tạo nghề.
Theo đó, gần như 100% NLĐ tại các KCN đều đã được trả lương tối thiểu vùng cao hơn 7%. Trong khi NĐ38/2022 chỉ quy định tăng lương tối thiểu lên 6% và không còn quy định tăng 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ đã qua học nghề, đào tạo. Vì thế, lương của NLĐ tại nhiều DN FDI hiện nay đã bảo đảm được mức lương tối thiểu vùng theo quy định mới.
Do thang, bảng lương được xây dựng dựa trên lương tối thiểu vùng nên khi lương tối thiểu vùng tăng 6% thì lương của NLĐ Công ty CP Phụ tùng máy số 1 (TP. Sông Công) cũng tăng tương ứng.
Khác với các DN FDI, khối DN trong nước có sự biến động về mức lương cho NLĐ sau khi lương tối thiểu vùng tăng. Ông Ngô Quang Bình, Phó Giám đốc Công ty CP Phụ tùng máy số 1cho biết: Nhiều năm qua, chúng tôi đã xây dựng thang, bảng lương đối với từng vị trí việc làm, chức danh dựa trên lương tối thiểu vùng. Vì thế, lương tối thiểu vùng tăng lên 6% thì lương của 100% NLĐ được ký hợp đồng lao động với Công ty cũng tăng tương ứng 6%. Hiện, Công ty đang hoàn tất ký kết hợp đồng lao động mới với NLĐ để gửi cơ quan bảo hiểm xã hội trước ngày 1-7 tới.
Tại Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông, lâm nghiệp Liên Sơn ở TP. Thái Nguyên, ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã cho biết: Qua rà soát thì lương hiện tại của NLĐ đang thấp hơn mức lương tối thiểu vùng quy định tại NĐ38/2022. Vì thế, đơn vị sẽ chủ động cân đối quỹ lương để bảo đảm chi trả lương cho NLĐ theo quy định.
Hay như đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có hợp đồng lao động, nhiều đơn vị cũng đang rà soát lại quy chế, hợp đồng lao động để tăng lương tối thiểu cho NLĐ.
Theo khảo sát của chúng tôi, NLĐ thuộc các đối tượng khác như sinh viên làm việc bán thời gian, người giúp việc nhà, người làm thuê theo ngày công... trên địa bàn TP. Thái Nguyên đang được trả từ 20-25 nghìn đồng/giờ. Như vậy, so với mức lương tối thiểu quy định tại NĐ38/2022 là 20 nghìn đồng/giờ thì lương của NLĐ thuộc nhóm đối tượng trên không bị thấp hơn.
Có thể thấy rằng, chính sách tăng lương tối thiểu vùng đợt này không làm thay đổi quá lớn mức thu nhập hiện tại của NLĐ nói chung trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, chính sách này đang được sở, ngành, các cấp chính quyền địa phương tích cực phổ biến, triển khai đến DN, đơn vị sử dụng lao động.
Tuy vậy, chúng tôi nhận thấy vẫn còn một số DN, HTX chưa biết đầy đủ và cụ thể quy định tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ. Một vấn đề đáng chú ý nữa là nhiều NLĐ tại các DN băn khoăn về chính sách lương tối thiểu vùng mới khi bỏ quy định tăng cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ qua học nghề, đào tạo nghề (NLĐ sẽ phải tự thỏa thuận, thương lượng với chủ DN)…
Theo NĐ38/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng tăng 6% (tương ứng tăng từ 180.000-260.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện hành) từ ngày 1/7/2022. Cụ thể, vùng I là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng II là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng III là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng IV là 3,25 triệu đồng/tháng. Tại Thái Nguyên, lương tối thiểu vùng đang được áp dụng ở vùng II đối với: TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công và TP. Phổ Yên; vùng III đối với: Huyện Phú Bình, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ và vùng IV đối với các huyện: Võ Nhai, Định Hóa. |