Chấn chỉnh hoạt động báo chí

06:59, 22/07/2022

Trước tình trạng không ít cơ quan báo, tạp chí vi phạm Luật Báo chí, xa rời tôn chỉ, mục đích và biểu hiện “thương mại hoá”, “tư nhân hoá” báo chí, “báo hoá” tạp chí, trang thông tin điện tử, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch tăng cường chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Với Thái Nguyên, một trong những địa phương có hoạt động báo chí khá sôi động, đã và đang triển khai các giải pháp theo yêu cầu đề ra.

Còn nhớ cách đây chưa lâu, Báo Pháp luật Việt Nam điện tử bị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 325 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn 3 tháng do có tới 13 lỗi vi phạm.

Các lỗi chủ yếu của Báo này là đăng tải nhiều bài viết có nội dung mang tính suy diễn, không có cơ sở, đăng tải nội dung thông tin không thống nhất, thể hiện quan điểm và cách nhìn nhận trái ngược nhau về cùng một vụ việc, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí.

Ngoài ra, Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải nhiều bài viết có tính chất giật gân, câu khách, miêu tả tỉ mỉ hành động tội ác, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam…

Trước đó, vào cuối năm 2021, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hải Phòng đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền 107,5 triệu đồng đối với Tạp chí Người cao tuổi do đăng, phát 3 bài viết trên Tạp chí điện tử Ngày mới online có thông tin sai sự thật và không đúng tôn chỉ, mục đích.

Toà soạn cũng bị yêu cầu đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi theo quy định và gỡ bỏ thông tin sai sự thật đối với bài viết liên quan. Cũng trong năm 2021, vẫn Tạp chí điện tử Ngày mới online đã cho đăng loạt bài thiếu chính xác về một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Sau khi kiểm tra, xác minh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã có công văn đề nghị Cục Báo chí hướng dẫn xử phạt hành chính đối với Tạp chí này.

Năm 2021, kết quả rà soát, đánh giá bằng công nghệ cho thấy số lượng các cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích vẫn còn nhiều, chủ yếu là tạp chí. Kết quả thanh tra, kiểm tra 13 cơ quan tạp chí cho thấy hầu hết đều không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí.

Tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử vẫn còn tồn tại gây dư luận xấu trong xã hội; thông tin còn nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực, tin, bài giật tít phản cảm; một số thông tin trên báo chí còn thiếu kiểm chứng, chưa phù hợp với tư tưởng chỉ đạo, có xu hướng kích động, gây nhiễu dư luận... 

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh tình trạng trên. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và cụ thể.

Với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, sẽ chủ trì thực hiện một số giải pháp nhằm chấn chỉnh và ngăn chặn kịp thời những vi phạm trong hoạt động báo chí trên địa bàn. Tiếp tục phối hợp duy trì tổ chức giao ban báo chí đinh kỳ hàng tháng để nâng cao hiệu quả quản lý báo chí, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong hoạt động báo chí. Tiến hành báo cáo đánh giá tình hình hoạt động báo chí, tham gia đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định về báo chí; chỉ đạo, định hướng thông tin kịp thời, phù hợp, hiệu quả, nhất là những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp cần được dự báo, phát hiện sớm…

Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, xây dựng kế hoạch cụ thể, tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, mạng xã hội; xử lý nghiêm minh các cơ quan báo chí thông tin sai sự thật về tỉnh Thái Nguyên, không đúng tôn chỉ, mục đích, kịp thời báo cáo cấp trên xử lý theo quy định. Dừng hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép đối với các cơ quan báo chí thường xuyên vi phạm…

Hội Nhà báo tỉnh thực hiện tốt vai trò, quyền hạn trong xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo; kịp thời phát hiện, xử lý và đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trong vấn đề này, cần nhất là ý thức trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật, tuân thủ các quy định trong hoạt động báo chí của các cơ quan báo chí.

Thái Nguyên có 3 cơ quan báo chí của tỉnh và hàng chục văn phòng đại diện, cơ quan thường trú và phóng viên thường trú các báo Trung ương, báo ngành đóng trên địa bàn. Các cơ quan báo chí cần chủ động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của mỗi nhà báo, phóng viên; kịp thời phát hiện, nhắc nhở và xử lý nghiêm cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người làm báo có sai phạm.

Bản thân các nhà báo cũng phải thường xuyên trau dồi, rèn luyện bản lĩnh, tinh tường, tỉnh táo vượt qua mọi cám rỗ để luôn là người làm báo chân chính, cách mạng.