Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, tỉnh Thái Nguyên có trên 10.000 liệt sĩ. Để tri ân, tưởng nhớ anh linh những người con ưu tú đã vì nước hy sinh, các cấp, ngành chức năng của tỉnh và mọi người dân luôn quan tâm xây dựng, tu bổ, bảo vệ những công trình ghi công liệt sĩ.
Hiện nay, toàn tỉnh đang quản lý 77 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ người Trung Quốc và 102 công trình đài tưởng niệm liệt sĩ.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH): Trong tổng số hơn 4.500 liệt sĩ đang yên nghỉ tại các nghĩa trang của tỉnh, có hơn 2.000 mộ chí đầy đủ thông tin, gần 1.300 mộ chí có một phần thông tin, hơn 1.200 mộ chí chưa xác định được thông tin.
Liên quan đến các công trình ghi công liệt sĩ, trong 5 năm gần đây, tỉnh đã đầu tư trên 100 tỷ đồng để xây dựng, tôn tạo, tu bổ các công trình. Riêng với Khu di tích Quốc gia Địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915 ở phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) được đầu tư trên 136 tỷ đồng để tôn tạo, nâng cấp xứng tầm với sự kiện lịch sử, thể hiện sự tri ân, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với các thế hệ về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Cũng trong 5 năm gần đây, các cơ quan, đơn vị chức năng cùng các địa phương trong tỉnh đã hoàn thiện thủ tục theo quy định, tổ chức nghi lễ đón nhận gần 200 hài cốt liệt sĩ từ các nghĩa trang khác di chuyển đến. Cùng với đó, có nhiều mộ phần nằm rải rác trên các cánh đồng, khu vực rừng núi trong tỉnh được nhân dân cho biết là bộ đội, thanh niên xung phong đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, được Ban Chỉ đạo 515 của tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cất bốc hài cốt, quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ.
Từng hàng mộ chí đều tắp, mỗi mộ chí là một câu chuyện dài về người lính trẻ trung quả cảm. Rồi cả thế giới biết đến Việt Nam qua câu chuyện ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Ở đó, tôi đã đọc được tên các anh, những người con của quê hương Thái Nguyên: Nguyễn Thanh Chúc (Động Đạt, Phú Lương), Trần Văn Cư (Đồng Tiến, Phổ Yên), Đoàn Văn Lệnh (Bảo Lý, Phú Bình)... Các anh là cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 210 - Trung đoàn bảo vệ Khu Gang thép Thái Nguyên - được tăng cường, bổ sung vào ngã ba Đồng Lộc, góp sức cùng quân dân cả nước làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường vận tải vào Nam. Trung đoàn tham gia chiến đấu bền bỉ trong 148 ngày đêm, 122 đồng chí đã hy sinh, 259 đồng chí bị thương.
Có cuộc chiến nào không tàn khốc, không mất mát, hy sinh. Các anh, chị không về, song lòng người Thái Nguyên vẹn tình ân nghĩa. Ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Dù công việc bận rộn, nhưng vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và dịp lễ, tết hằng năm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đều tổ chức đi thăm, tặng quà các gia đình có công với đất nước; đồng thời, tổ chức dâng hương tưởng nhớ những người con Anh hùng của quê hương đang yên nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ.