Diện mạo mới của Khu du tích lịch sử Quốc gia 27-7

09:53, 25/07/2022

Một ngày đầu tháng Bảy, chúng tôi có dịp tới tham quan Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7, nơi công bố ra đời Ngày Thương binh toàn quốc 27/7/1947, tại xóm Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ). Điều chúng tôi vô cùng ấn tượng là chỉ sau một thời gian ngắn, nơi này đã được đầu tư tôn tạo khang trang, đẹp hơn trước rất nhiều.

Theo các cụ cao niên trong huyện, Khu di tích lịch sử kháng chiến - Địa điểm công bố Ngày Thương binh - Liệt sĩ toàn quốc tại xóm Bàn Cờ là nơi ghi dấu sự kiện: Ngày 27/7/1947, tại đây diễn ra cuộc mít tinh trọng thể gồm 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ toàn quốc. Đây cũng chính là bức thư đầu tiên Bác Hồ gửi cho các thương binh, bệnh binh... Kể từ đó, ngày 27-7 hằng năm được lấy làm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Khu di tích là một trong những công trình văn hóa lịch sử quan trọng của Thái Nguyên, địa chỉ đỏ để du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Không chỉ mang giá trị lịch sử, Khu di tích quốc gia 27-7 còn có ý nghĩa về mặt tâm linh.

Với ý nghĩa đó, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày 27/7/1997, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UBND tỉnh tổ chức khánh thành Khu kỷ niệm 27-7 và dựng bia kỷ niệm tại xóm Bàn Cờ. Trên bia khắc ghi dòng chữ: “Nơi đây ngày 27/7/1947, 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ ghi nhận sự ra đời của Ngày Thương binh - Liệt sĩ”. Cũng trong năm 1997, theo Quyết định số 2205-QĐ/VH, Di tích đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Ngày 29/7/2007, tại Khu di tích 27-7, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô, Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Đoàn nghi lễ Quốc gia 781 và nhà tài trợ là Tập đoàn truyền thông An Viên tổ chức Lễ đón nhận bát hương thờ vong linh các Anh hùng liệt sĩ từ những nghĩa trang liệt sĩ tiêu biểu trên toàn quốc về đặt tại Khu di tích 27-7.

Năm 2013, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục trùng tu tôn tạo, mở rộng khuôn viên Khu di tích và làm lễ rước chân hương thờ các Anh hùng liệt sĩ toàn quốc về thờ tại Di tích.

Tuy nhiên, sau nhiều năm đầu tư xây dựng, tôn tạo, công trình hiện hữu trong Khu di tích có quy mô nhỏ, kết cấu không bền vững, đã xuống cấp, chưa xứng tầm với di tích tích lịch sử cấp Quốc gia. Bởi vậy, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 với nhiều hạng mục quan trọng. Theo đó, các hạng mục được tu bổ, tôn tạo gồm: Tu bổ, tôn tạo Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ toàn quốc; tu bổ, tôn tạo Nhà đón tiếp. Các hạng mục bổ sung (xây dựng mới) như: Nhà đón tiếp, trưng bày hiện vật 1 tầng; lầu chuông, lầu khánh; khuôn viên, cảnh quan… Kinh phí thực hiện Dự án là trên 14,4 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác.

Là điểm đến kết nối với tuyến tham quan Khu du lịch hồ Núi Cốc, các điểm di tích lịch sử cách mạng ATK Định Hóa và Tân Trào - Tuyên Quang, Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 hiện có khuôn viên rộng và hồ sen đẹp, có cổng Tam quan, sân hành lễ. Trước nhà tưởng niệm có tấm bia đá khắc chữ ghi tóm tắt lịch sử ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Nằm trong khuôn viên Khu di tích còn có đền Ông và đền Bà - nơi thờ Đồng Doãn Giai - đỗ tiến sĩ năm 1736 và công chúa Mai Hoa.

Để làm tốt việc nhang đăng và phục vụ khách tham quan, thời gian qua, UBND huyện Đại Từ đã thành lập Ban Quản lý Di tích và giao cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức mọi hoạt động diễn ra tại đây. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Di tích còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn thường xuyên tổ chức thăm viếng, dâng hương tri ân tại đền thờ và làm công tác vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh, hồ sen, góp phần giữ gìn và tôn tạo cảnh quan tươi đẹp của Di tích. 

Bà Nguyễn Thị Hợp, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Quản lý Di tích cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức đón nhiều đoàn khách đến tham quan. Thông qua sự giới thiệu của chúng tôi, du khách càng thêm hiểu và trân trọng Khu di tích lịch sử nhiều ý nghĩa này.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Quyết, Bí thư Đảng ủy thị trấn Hùng Sơn cho biết: Chúng tôi vô cùng tự hào khi trên địa bàn có một khu di tích lịch sử mang nhiều ý nghĩa như vậy. Mong rằng sau khi được tu bổ, tôn tạo, nơi đây không chỉ mang tính giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, mà còn là điểm đến của nhiều du khách. Qua đó góp phần phát triển hoạt động văn hóa, du lịch của địa phương.