Với nhiệm vụ thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trải qua 20 năm hình thành và phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đại Từ đã và đang giúp hàng nghìn hộ dân có thêm động lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Qua đó, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo ở địa phương, đảm bảo an sinh xã hội cũng như thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới.
Hơn 30 tuổi, anh Đinh Quang Dũng, ở tổ dân phố Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn, đã đi nhiều nơi, làm nhiều nghề để mưu sinh, song cuộc sống vẫn chưa hết bấp bênh. Quyết định trở về và tìm hướng phát triển kinh tế ngay tại quê hương, năm 2018, được người thân tư vấn, anh làm thủ tục vay vốn từ NHCSXH huyện và được chấp thuận vay 50 triệu đồng. Cùng với số tiền tích góp được và vay mượn bạn bè, anh Dũng quyết định đầu tư mua 2 con trâu sinh sản. Cứ 1,5 năm/lứa, đến nay, đàn trâu của gia đình anh Dũng đã tăng lên 5 con.
Anh Dũng chia sẻ: Vào thời điểm khó khăn nhất, nguồn vốn vay NHCSXH là “cứu cánh” đối với gia đình tôi. Bởi lẽ, vốn nuôi trâu giống ban đầu khá lớn trong khi thời điểm đó, tôi gần như không có gì trong tay. Chút vốn tích góp được cũng chỉ đủ để dựng chuồng và mua thức ăn cho trâu. Thời gian tới, tôi dự định vay thêm vốn NHCSXH để mở rộng chuồng trại, trồng cỏ và nuôi thêm trâu.
Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã giúp gia đình chị Đàm Thị Tươi, ở xóm Đại Quyết, xã Tiên Hội, vơi bớt khó khăn. Với 50 triệu đồng vốn vay hộ mới thoát nghèo, năm 2019, chị Tươi có điều kiện để san gạt 4 sào đất đồi trồng keo để chuyển sang trồng chè giống mới, 2 sào chè giống cũ đã cằn cỗi cũng được cuốc bỏ để chuyển đổi. Chị Tươi nói: Từ chỗ làm không đủ ăn, đến nay, trung bình mỗi tháng, tôi thu về khoảng 10 triệu đồng từ trồng chè.Cộng với thu nhập từ việc đi xây của chồng, đời sống của gia đình tôi đã khá hơn trước rất nhiều, các cháu có điều kiện học hành đầy đủ.
Không riêng anh Dũng, chị Tươi, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đại Từ đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp từ NHCSXH để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển thương mại, dịch vụ. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Kim Hòa, Giám đốc NHCSXH huyện Đại Từ, cho biết: Sau 20 năm hoạt động, đơn vị luôn nỗ lực với mục tiêu nâng cao chất lượng tín dụng và tạo điều kiện tối đa cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Từ 2 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay, NHCSXH huyện đã ủy thác 15 chương trình tín dụng chính sách qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, với 455 tổ tiết kiệm và vay vốn. Tính đến ngày 31/05/2022, dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội đạt trên 560 tỷ đồng, tăng trên 540 tỷ đồng so với năm 2003, chiếm tỷ trọng 99,85%/ tổng dư nợ; nợ quá hạn là 457 triệu đồng (tỷ lệ 0,08%).
Hiện nay, điểm giao dịch của NHCSXH được đặt tại 30/30 xã, thị trấn, thực hiện việc cho vay và thu lãi theo quy định hằng tháng, giúp người dân giao dịch nhanh chóng, thuận lợi. Hàng năm, NHCSXH huyện Đại Từ cũng xây dựng kế hoạch khảo sát, phân tích đánh giá nhu cầu về vốn, chủ động bám sát tình hình nợ đến hạn và thu nợ, giải ngân. Qua đó, góp phần tạo lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của đơn vị, đảm bảo nguồn vốn vay đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả.
Sau 20 năm, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH huyện là hơn 1.800 tỷ đồng, với trên 90.000 lượt khách hàng được vay vốn. Tổng doanh số thu nợ các chương trình tín dụng chính sách qua các năm là hơn 1.300 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân mỗi năm là 14,36%. Trong 20 năm qua, NHCSXH huyện Đại Từ đã cho gần 40.000 hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Các chương trình đã góp phần giúp trên 13.000 hộ thoát nghèo. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đại Từ theo từng năm.
Với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, NHCSXH huyện Đại Từ đề ra mục tiêu đến năm 2030 có số dư nguồn vốn trên 30 tỷ đồng, dư nợ đạt trên 750 tỷ đồng; 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Hằng năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 2-2,5%, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 1.000 lao động...