Chính sách ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng luôn được tỉnh Thái Nguyên đảm bảo theo quy định. Hiện, 100% NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú; 100% NCC được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và NCC. Nhiều con, cháu người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được phát hiện, can thiệp sớm, phục hồi chức năng các dị tật bẩm sinh.
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Thái Nguyên tự hào là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Đặc biệt, tại thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), ngày 27-7-1947, đại diện Cục Chính trị Quân đội quốc gia đã công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Công bố lấy ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Kể từ bấy giờ, Thái Nguyên trở thành địa chỉ đỏ cho cháu con trên mọi miền đất nước hội về dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ.
Tự hào là nơi ra đời Ngày Thương binh – Liệt sĩ có ý nghĩa trọng đại, thể hiện đạo lý “'Uống nước nhớ nguồn'' của dân tộc Việt Nam, trong suốt hành trình 75 năm qua, các cấp, ngành và người dân Thái Nguyên luôn coi trọng công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc NCC và thân nhân NCC; thể hiện rõ tình cảm sâu sắc với những người đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện, ngoài hơn 130.000 người được công nhận theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi NCC, Thái Nguyên còn có hơn 80.000 NCC trong kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc đã được giải quyết chế độ một lần hoặc hằng tháng theo các quyết định của Chính phủ.
Tuổi trẻ TP. Thái Nguyên tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Dốc Lim. Ảnh: Thu Nga
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCC, đồng thời đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, hằng năm tỉnh chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC, thân nhân NCC đến các cấp, ngành, tổ chức xã hội. Cùng với đó là công tác tuyên truyền được tăng cường, qua đó chuyển tải nội dung liên quan đến mọi người dân về chế độ chính sách ưu đãi dành cho NCC.
Trao đổi với chúng tôi về việc “Không để NCC bị tụt lại phía sau”, đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - TBXH, Phó Trưởng Ban Thường trực Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh, cho biết: Ở bất cứ hoàn cảnh nào, tỉnh cũng luôn quyết liệt thực hiện hỗ trợ, giúp đỡ NCC, thân nhân NCC ổn định đời sống vật chất, tinh thần. Ví như việc hỗ trợ cho gia đình có thành viên là NCC vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ về nhà ở… Các chính sách cụ thể, sát thực tế đã giúp nhiều gia đình có thành viên là NCC vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ có kinh tế khá giả.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - TB&XH: Giai đoạn 2006-2022, thực hiện uỷ quyền, hướng dẫn của Bộ Lao động - TB&XH, toàn tỉnh đã thực hiện chi trả chế độ ưu đãi với tổng kinh phí trên 8.100 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng là trên 6.500 tỷ đồng cho hơn 20.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; gần 774.000 lượt NCC, thân nhân NCC được cấp thẻ BHYT; gần 10.000 lượt NCC được tham gia điều dưỡng phục hồi sức khỏe.
Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - TBXH, Phó Trưởng Ban Thưởng trực Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh, tiếp nhận tiền ủng hộ của các cơ quan, đơn vị.
Cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho hơn 9.000 lượt người; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 1,2 triệu lượt người NCC, thân nhân NCC; hơn 41.000 lượt con em NCC được hưởng chính sách ưu đãi giáo dục; hơn 33.000 gia đình có thành viên là NCC được hỗ trợ về nhà ở, đất ở.
Do làm tốt công tác tuyên truyền về công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, nhận thức của cán bộ, đảng viên và mọi người dân từng bước được nâng cao, trở thành một phong trào lớn, huy động được toàn dân, toàn diện cùng tham gia.
Minh chứng là việc huy động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” năm sau luôn cao hơn năm trước. Tính trong cả giai đoạn từ 2006 đến nay, Quỹ huy động được gần 100 tỷ đồng từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân.
Trong đó, Quỹ cấp tỉnh huy động được gần 30 tỷ đồng; Quỹ cấp huyện huy động được gần 26 tỷ đồng; còn lại là Quỹ cấp xã.
Riêng Quỹ cấp tỉnh trong thời gian từ năm 2017 đến hết năm 2021 đã nhận được sự ủng hộ từ 428 lượt cơ quan, đơn vị với số tiền trên 3 tỷ đồng.
Đặc biệt, tại Chương trình kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được tổ chức vào trung tuần tháng 7-2022, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh đã nhận được sự ủng hộ của 20 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với số tiền hơn 4 tỷ đồng.
Nhân dân huyện Định Hóa chăm sóc Nghĩa trang Liệt sĩ huyện.
Toàn bộ tiền huy động Quỹ được sử dụng cho các hoạt động chăm sóc NCC. Cụ thể trong giai đoạn 15 năm gần đây, Quỹ hỗ trợ làm nhà ở cho hơn 1.500 hộ; trao tặng hơn 1,1 triệu suất quà nhân các dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sĩ hàng năm.
Trong thời gian đại dịch COVID - 19 có nhiều diễn biến phức tạp, UBND tỉnh kịp thời ban hành quyết định hỗ trợ cho hơn 17.000 trường hợp NCC, thân nhân NCC gặp khó khăn. Và hiện 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt phần đời còn lại (18 Mẹ).
Kết quả này thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các tổ chức xã hội. Tất cả cùng vào cuộc, chia sẻ khó khăn, đóng góp vật chất, động viên tinh thần để NCC, thân nhân NCC yên tâm, vươn lên trong cuộc sống, đồng thời phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trước các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.
Nhằm nâng cao chất lượng toàn diện công tác chăm sóc NCC, góp phần phát triển an sinh xã hội trong tình hình mới, các cấp, ngành của tỉnh đồng thuận vào cuộc như: Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với NCC. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa để có thêm nguồn lực hỗ trợ NCC, thân nhân NCC về vật chất, tinh thần, nhất là với các trường hợp gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam gặp khó khăn...