Những năm qua, Trung tâm Điều dưỡng người có công của tỉnh đã chăm sóc, điều dưỡng cho hàng chục nghìn lượt người có công với cách mạng. Qua đó thể hiện chính sách quan tâm, ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với những người có công với cách mạng; đồng thời truyền tải thông điệp “Yêu thương, kính trọng và biết ơn” của cộng đồng đối với họ.
Chúng tôi đến Trung tâm Điều dưỡng người có công của tỉnh vào một ngày cuối tháng 6 đầy nắng. Khu điều dưỡng nhìn ra mặt hồ Núi Cốc thơ mộng, dưới những tán cây cổ thụ xanh mát, xua tan cái nóng nực. Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến đây là sự bình yên, thư thái đến lạ.
Ông Nguyễn Hữu Kiên, Giám đốc Trung tâm hồ hởi: Ngoài cảnh đẹp hữu tình, không khí mát mẻ, điều kiện cơ sở vật chất ở đây cũng khá đầy đủ, phục vụ tốt nhu cầu ăn nghỉ, chăm sóc sức khỏe cho người có công với cách mạng đến điều dưỡng. Mới đây, Trung tâm được đầu tư xây dựng thêm nhà đa năng phục vụ hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ, đọc sách. Ngoài ra, Trung tâm đã cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống phòng nghỉ, khuôn viên, nhà ăn… với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng. Nhờ đó, cơ sở vật chất khang trang hơn trước rất nhiều, nâng cao chất lượng chăm sóc người đến điều dưỡng.
Gặp bác Trần Đoàn Trang, sinh năm 1946, là thương binh và nạn nhân chất độc hóa học, ở xóm Thái Hà, xã Na Mao (Đại Từ) đang điều dưỡng tại đây, bác vui vẻ cho biết: Đã nhiều lần tôi đến đây điều dưỡng, mỗi lần đến là một chương trình hoạt động khác nhau, nhưng có một điều không thay đổi, đó là cảm giác ấm áp, thân thương của các cán bộ, nhân viên ở đây như những người thân trong gia đình. Chúng tôi cảm nhận đây như ngôi nhà thứ hai của mình.
Còn bác Kiều Xuân Diên, sinh năm 1963, là bệnh binh ở xóm Quyên, xã Phú Xuyên (Đại Từ) bộc bạch: Với điều kiện ăn nghỉ tốt, mỗi lần đến đây điều dưỡng chúng tôi không chỉ được chăm sóc sức khỏe, nghỉ ngơi thoải mái mà còn được gặp gỡ, giao lưu với nhau, cùng ôn lại những kỷ niệm chiến trường xưa và tham gia các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, tham quan danh lam thắng cảnh, di tích trên địa bàn tỉnh nên tinh thần luôn vui vẻ, phấn chấn.
Được biết, Đoàn đi điều dưỡng lần này có 82 người có công với cách mạng ở huyện Đại Từ. Đây là đợt 12 Trung tâm đón đoàn đến điều dưỡng trong năm 2022. Trung bình mỗi năm, Trung tâm phục vụ khoảng 2.000 người có công đến điều dưỡng. Tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã điều dưỡng được 733 người có công ở các huyện Đồng Hỷ, Đại Từ, Võ Nhai và TP. Thái Nguyên. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm, Trung tâm sẽ điều dưỡng cho gần 1.000 người.
Những người đến đây điều dưỡng đều được lập phiếu theo dõi, khám kiểm tra sức khỏe, cấp phát thuốc bổ hàng ngày, tư vấn chăm sóc sức khỏe, chế độ ăn uống, hướng dẫn luyện tập phục hồi chức năng, ngâm chân thuốc bắc…
Mỗi đợt điều dưỡng kéo dài 6 ngày, mỗi ngày đều có lịch các hoạt động cụ thể, như: Kiểm tra sức khỏe, tham quan du thuyền hồ Núi Cốc, thắp hương đền Gàn, vui chơi thể thao, chơi cờ, giao lưu văn nghệ, đọc sách, tham quan, dâng hương tại Khu di tích ATK Định Hóa, Khu di tích lịch sử 27-7… Tùy vào tình hình thời tiết, điều kiện sức khỏe của người đến điều dưỡng, lịch hoạt động sẽ được điều chỉnh phù hợp để bảo đảm sức khỏe và thời gian nghỉ ngơi, hoạt động hợp lý cho người được điều dưỡng.
Nhân viên Trung tâm Điều dưỡng người có công của tỉnh chuẩn bị bữa ăn trưa cho người có công với cách mạng.
Công tác điều dưỡng người có công với cách mạng mang tính đặc thù riêng, bởi đa phần những người đến điều dưỡng đều tuổi cao, sức khỏe yếu, vết thương và bệnh tật nhiều. Vì vậy, công tác y tế - nhà phòng phục vụ điều dưỡng được đặt lên hàng đầu. Khi người có công đến điều dưỡng, trước tiên Trung tâm thực hiện khám kiểm tra sức khỏe từng người để tư vấn biện pháp giữ gìn sức khỏe, cấp thuốc uống và hướng dẫn cách rèn luyện nâng cao sức khỏe trong suốt quá trình điều dưỡng. Trung tâm đã đầu tư máy tập cho người đến điều dưỡng sử dụng hàng ngày, như: Máy massage đa năng, ngâm chân thuốc bắc, trị liệu bằng thảo dược có tác dụng thải độc, phục vụ các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe…
Cùng với đó, Trung tâm luôn chú trọng công tác hậu cần - dinh dưỡng. Từ khâu lựa chọn đơn vị ký hợp đồng cung ứng thực phẩm, lựa chọn thực phẩm an toàn, chất lượng đến khâu chế biến đều được chú trọng, sao cho chế biến hợp khẩu vị với mỗi nhóm đối tượng, có hàm lượng dinh dưỡng cao, bảo đảm cả về chất và lượng. Ngoài ra, nhà bếp thay đổi thực đơn theo từng bữa, có chế độ ăn kiêng theo yêu cầu…
Không chỉ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, các cán bộ, nhân viên Trung tâm còn đồng hành trong mọi hoạt động với người có công, như: Luyện tập thể dục thể thao, giao lưu văn hóa văn nghệ… Với trách nhiệm, tình cảm và sự tận tâm ấy, các cán bộ, nhân viên ở đây đã để lại dấu ấn tốt đẹp đối với những người đến điều dưỡng, biến nơi đây thực sự trở thành ngôi nhà chung ấm áp cho những người có công với cách mạng.