Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tự do tham gia. Thời gian qua, để người dân tiếp cận và giúp họ hưởng những lợi ích từ BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân.
Năm 2022, BHXH tỉnh Thái Nguyên được BHXH Việt Nam giao chỉ tiêu vận động 35.765 người tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến hết tháng 7-2022, các cơ quan BHXH của tỉnh đã vận động được 25.793 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 4.428 người so với cùng kỳ năm 2021, đạt 72,1% kế hoạch được giao.
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: Để đạt được kết quả trên là sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH tỉnh. Bởi, trong những tháng đầu năm, việc triển khai tuyên truyền về BHXH tự nguyện gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do tình hình dịch COVID-19 phức tạp, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và =doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Điều này làm giảm đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc; đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình cũng bị sụt giảm. Một nguyên nhân nữa là do từ ngày 01/01/2022, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu thay đổi, mức chuẩn nghèo làm căn cứ đóng từ 700 nghìn đồng tăng lên 1,5 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ cũng làm ảnh hưởng việc phát triển BHXH tự nguyện.
Tuy nhiên, để phấn đấu đạt chỉ tiêu BHXH Việt Nam đưa ra, ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh đã phối hợp với các tổ chức dịch vụ đẩy mạnh công tác truyền thông, đa dạng hình thức tuyên truyền, như: Mở hội nghị khách hàng, hội nghị đối thoại trực tiếp để đảm bảo tuyên truyền một cách thiết thực, hiệu quả; đôn đốc người tham gia BHXH tự nguyện đến hạn đóng; tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện để phát triển người tham gia.
Đặc biệt, đơn vị phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan truyền thông của tỉnh, của Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền dưới các hình thức. Từ đó, giúp người dân hiểu sâu sắc về chính sách BHXH tự nguyện, những lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, Ngành cũng đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trong hệ thống BHXH tỉnh. Chẳng hạn, mỗi cán bộ, công chức, viên chức là một tuyên truyền viên tích cực, tuyên truyền, phát triển được ít nhất 5 người tham gia BHXH tự nguyện/năm. Đồng thời chủ động phối hợp, bám sát, đôn đốc cơ quan bưu điện, các tổ chức dịch vụ thu phối hợp tốt với chính quyền các cấp để đẩy mạnh công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Trường, nhằm hoàn thành kế hoạch BHXH Việt Nam giao về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, ngành BHXH rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích lâu dài, bền vững của BHXH tự nguyện đem lại.
BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm mới, mang tính ưu việt, đặc biệt đối với người lao động nông thôn, lao động tự do. Người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình nhưng vẫn được chia sẻ khó khăn, hỗ trợ thu nhập theo luật định. Cụ thể, về già có lương hưu hằng tháng, khi qua đời được trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất… |