Luật Báo chí 2016: Cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với thực tiễn

Nguyên Ngọc 12:14, 14/10/2022
 

Sáng 14-10, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị tổng kết thực tiễn 5 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Dự Hội nghị có đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo các cơ quan báo chí và một số sở, ngành, địa phương.

Ngay sau khi Luật Báo chí năm 2016 được ban hành, Sở TT&TT đã triển khai, tuyên truyền rộng rãi, nhất là đến các cơ quan báo chí trên địa bàn.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Xuân Hoà phát biểu tại Hội nghị.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Xuân Hoà phát biểu tại Hội nghị.

Theo đánh giá, Luật Báo chí 2016 đã tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan báo chí, cơ quan hoạt động có tính chất báo chí trên địa bàn tỉnh; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ những người làm báo hoạt động đúng pháp luật, nâng cao vị thế về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân trong hoạt động báo chí.

Luật Báo chí 2016: Cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với thực tiễn

Nhìn chung, các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn đã tuân thủ nghiêm quy định của Luật Báo chí năm 2016, cụ thể: Hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích theo giấy phép hoạt động báo chí được Bộ TT&TT cấp; nộp lưu chiểu báo chí và thực hiện việc xét, đề nghị cấp, đổi, thu hồi thẻ nhà báo theo đúng quy định.

Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu tại Hội nghị.
Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Tuy nhiên, tại Hội nghị, đại diện các cơ quan báo chí và ngành, địa phương cũng nêu ra một số khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016, như: Luật chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí, khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn khi áp dụng; việc quản lý lưu chiểu báo chí còn bất cập vì Luật Báo chí quy định hoạt động này do các cơ quan báo chí thực hiện; lĩnh vực quảng cáo, sở hữu trí tuệ, quyền tác giả… còn có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chưa được phân định rõ ràng, làm hạn chế công tác quản lý, xử lý vi phạm; quy định về thành lập văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú chưa chặt chẽ gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương; chưa có quy định để thúc đẩy chuyển đổi số báo chí…  

Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại Hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Duy Hoàng yêu cầu Sở TT&TT tiếp thu, tổng hợp đầy đủ; trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp hơn với thực tiễn; Sở TT&TT cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý nhà nước về báo chí, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định của Luật Báo chí.

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; chủ động kiểm tra, xác minh và phản hồi thông tin báo chí; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí, những người làm báo hoạt động nghề nghiệp theo đúng quy định của pháp luật…

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 3 cơ quan báo chí của tỉnh (Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ); 8 cơ quan báo chí đặt văn phòng đại diện, cơ quan thường trú; 3 cơ quan báo chí Trung ương cử phóng viên thường trú; 1 cơ quan báo chí đóng trên địa bàn (Báo Quân khu 1); một số cơ quan báo chí Trung ương có phóng viên chuyên trách hoặc thường xuyên hoạt động trên địa bàn.