Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia

Hoàng Cường 08:36, 19/10/2022
 

Chiều 18-10, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021-2025, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kết quả thực hiện các CTMTQG và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm 2022. Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên (ảnh). 

Trong 9 tháng qua, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện CTMTQG (bao gồm: Giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Kết quả, đã có 68/73 văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện CTMTQG được ban hành theo thẩm quyền (đạt 93% nhiệm vụ được giao). Đối với các địa phương, 63/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn ban chỉ đạo cấp tỉnh.

Dù vậy, theo đánh giá của Chính phủ, hiện nay việc phân bổ, giao kế hoạch và tổ chức thực hiện các CTMTQG tại các địa phương còn chậm. Cụ thể, đến hết tháng 9-2022, giải ngân vốn đầu tư phát triển của các địa phương đạt hơn 302,5 tỷ đồng, bằng 1,68%; vốn sự nghiệp đạt 30,563 tỷ đồng, bằng 0,3%.

Theo lãnh đạo một số địa phương, tiến độ thực hiện các CTMTQG chậm do những khó khăn như: Tiến độ xây dựng, trình ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG theo thẩm quyền của các bộ, Trung ương còn chậm; việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng tại các địa phương chưa hoàn thành...

Để thực hiện hiệu quả các CTMTQG, thời gian tới, nhiều địa phương kiến nghị các bộ, ngành: Khẩn trương hoàn thành và ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền đối với CTMTQG về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng nông thôn mới; Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về cơ chế phân giao vốn sự nghiệp của các CTMTQG cho các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác phân bổ và giải ngôn vốn...

Đối với Thái Nguyên, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết để cụ thể hóa các CTMTQG: Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách Trung ương (NSTW) và tỷ lệ đối ứng ngân sách địa phương; thông qua phương án phân bổ NSTW, ngân sách địa phương thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025, kế hoạch năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023... Đến nay, tỉnh đã giải ngân nguồn vốn NSTW 53,3 tỷ đồng, đạt 17%; vốn sự nghiệp hơn 4,8 tỷ đồng, đạt 3%. Thái Nguyên được đánh giá là địa phương có kết quả giải ngân vốn đầu tư đạt khá.   

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các các bộ, ngành liên quan hoàn thiện xây dựng 5 văn bản hướng dẫn thực hiện CTMTQG theo thẩm quyền trong tháng 10-2022; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động, tích cực triển khai CTMTQG trên cơ sở những văn bản hướng dẫn đã có, không chờ sau khi 5 văn bản hướng dẫn còn thiếu được hoàn thiện; đồng thời nêu cao quyết tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân các dự án, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các CTMTQG...