Nhà vệ sinh (NVS) nhưng lại không đảm bảo vệ sinh (VS) là nỗi ám ảnh của học sinh (HS) nhiều trường học trên địa bàn tỉnh.
Nhà vệ sinh của học sinh Trường THCS Nhã Lộng đã xuống cấp. |
Thực tế tại Trường THCS Nhã Lộng (Phú Bình), chúng tôi nhận thấy cả 2 NVS dành cho HS đều xuống cấp nghiêm trọng, trong đó, 1 công trình có tường bị nứt toác. Diện tích nhà NVS nhỏ hẹp, tối tăm, tường mốc meo, mùi hôi thối lan tới tận lớp học.
Khi chúng tôi hỏi chuyện, một số HS cho biết, các em thường phải cố nhịn cho đến lúc về nhà, vì mỗi lần vào NVS, cảm giác như toàn thân ngấm hùi hôi thối, rất ám ảnh, không thể tiếp tục học.
Công trình NVS của Trường THCS Nhã Lộng được đầu tư xây dựng cách đây hơn 10 năm, chỉ cách lớp học khoảng 7m. Cô giáo Dương Thị Nga, Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết: Trường hiện có 12 lớp với 490 HS, trong khi đó, NVS được xây dựng từ lâu, diện tích nhỏ hẹp nên quá tải, thường xuyên bị tắc... Chưa kể, Trường còn chưa có NVS dành cho giáo viên nên cũng rất bất tiện. Nhà trường không được phép thu tiền VS nên việc VS hằng ngày giao cho HS làm vào đầu buổi sáng và cuối buổi học. Nhà trường đề nghị cấp trên nếu đầu tư xây dựng mới NVS phải cách vị trí lớp học từ 20-30m; còn với hiện trạng hiện nay, có cải tạo cũng rất bất cập, không đáp ứng nhu cầu...
Học sinh phải đeo khẩu trang khi đi vệ sinh. |
Không riêng Trường THCS, mà công trình NVS của Trường Mầm non Nhã Lộng cũng tạm bợ. Tại điểm lẻ học nhờ trụ sở UBND xã cũ chỉ có 1 NVS nên rất bất tiện, không phù hợp với độ tuổi của các cháu mầm non.
Cô giáo Nguyễn Thị Chai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhã Lộng, thông tin: Điểm trường học nhờ trụ sở UBND xã cũ, chúng tôi phải ngăn hội trường làm phòng học. Số lượng HS trên 150 cháu mà chỉ có 1 NVS chung. Tôi mong cấp ủy, chính quyền, ngành Giáo dục quan tâm đầu tư xây dựng thêm phòng học tại điểm trường chính để thuận lợi cho công tác quản lý cũng như đảm bảo các điều kiện tối thiểu trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ.
Không riêng ở huyện Phú Bình, mà hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đều có NVS được xây dựng cách đây trên 10 năm đều xuống cấp. Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cho biết: Từ kết quả rà soát, thống kê, kiểm tra của các phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT, chúng tôi sẽ tập trung ưu tiên, cải tạo, sửa chữa, xây mới NVS cho những cơ sở giáo dục đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo kế hoạch, năm 2022, Sở GD&ĐT thực hiện sửa chữa, cải tạo 126 công trình NVS của 9 huyện, thành phố với tổng kinh phí 14 tỷ đồng.
NVS xuống cấp không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn khiến nhiều HS không dám đi VS tại trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Ngành Giáo dục và chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề tưởng như rất nhỏ này, không thể để tình trạng trường học to đẹp mà công trình VS lại không được quan tâm đầu tư đúng mức.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin