Hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, trở về cuộc sống đời thường, những cựu chiến binh (CCB) xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên) tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu, tiên phong trên mặt trận làm giàu. Họ đã phát huy "chất lính", năng động, sáng tạo trong sản xuất - kinh doanh, tích cực giúp đỡ bà con địa phương cùng vươn lên ổn định cuộc sống.
Cán bộ, hội viên CCB xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên) chia sẻ kinh nghiệm sử dụng máy sản xuất, chế biến chè tại gia đình CCB Trần Công Sơn, xóm Quang Trung. |
Hội CCB xã Sơn Cẩm có 16 chi hội, với 643 hội viên. Ông Thi Văn Hai, Chủ tịch Hội CCB xã Sơn Cẩm tự hào: Từ nhiều năm gần đây, Hội không còn gia đình hội viên nghèo. 50% quân số của Hội là chủ các gia đình có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên/năm. Cá biệt có một số CCB là chủ các doanh nghiệp có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Để minh chứng lời mình nói, ông đưa chúng tôi đi thực tế tại một số mô hình CCB làm kinh tế giỏi tại Sơn Cẩm. Dọc đường đi, ông Hai tấm tắc: Giao thông nông thôn xã Sơn Cẩm được bê tông hóa 100%, trong đó có một phần công sức đóng góp của các CCB. Như hồi đầu năm nay, để thông tuyến đường Bến Giềng - Vô Tranh, CCB Đào Sĩ Hào, xóm Động Lực, đã hiến hơn 1.000m2 đất.
Vui chuyện, nhà CCB Trần Công Sơn, xóm Quang Trung, đã ở ngay trước mặt. Với tổng diện tích đất hơn 30.000m2, ông Sơn đầu tư trồng chè, trồng rừng, cây ăn quả và dành một khoảnh đất dựng trang trại chăn nuôi gà. Từ 3 năm gần đây, gia đình ông đạt thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Cùng ở xóm Quang Trung, gia đình CCB Đoàn Văn Quang với trang trại gà nuôi 21.000 con/lứa, thu được hơn 600 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí.
Bên nương chè rộng hơn 2ha của gia đình, CCB Đào Sĩ Hào, xóm Hiệp Lực, chia sẻ: Bằng kinh nghiệm sản xuất truyền thống và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chế biến chè, gia đình tôi có nhiều sản phẩm chất lượng phục vụ nhân dân. Từ 3 năm nay, sản lượng chè của gia đình tôi đạt ổn định khoảng 7 tấn búp khô/năm. Trừ các khoản chi phí đầu tư, gia đình tôi còn có lãi khoảng 500 triệu đồng/năm.
Đến xóm Hiệp Lực, vào thăm mô hình cây cảnh của CCB Trần Quang Hải, chúng tôi hỏi chuyện làm ăn, ông bảo: 10 lao động kỹ thuật, mỗi tháng tôi chi trả với tổng số tiền gần 80 triệu đồng, chưa kể tiền phát sinh thêm… Có mặt ở đó, ông Hoàng Kim Cát, Ủy viên Ban Thường vụ Hội CCB xã Sơn Cẩm, cho biết: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh của CCB trong xã đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động địa phương, với mức lương bình quân từ 5 đến hơn 10 triệu đồng/người/tháng.
Ở Sơn Cẩm, mỗi CCB có một cách làm giàu, nhưng họ giống nhau ở nghị lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Để tạo dựng nên nhưng mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, những CCB đã phải đánh đổi nhiều mồ hôi, công sức bạt đất, san đồi, tạo mặt bằng, rồi mang tài sản nhà cửa đến các ngân hàng thế chấp vay vốn, xây dựng mô hình sản xuất.
Để tiếp sức cho CCB vượt khó vươn lên, hằng năm, Hội CCB xã Sơn Cẩm chủ động phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền địa phương mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; vận động con em CCB tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp. Đồng thời, tạo thuận lợi cho gia đình CCB tiếp cận với nguồn vồn tín dụng ngân hàng, vay đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh. Hiện, toàn Hội có hơn 100 hội viên đang vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ gần 5 tỷ đồng.
Chia sẻ với chúng tôi về phong trào thi đua của Hội CCB xã Sơn Cẩm, ông Nguyễn Đức Huấn, Phó Chủ tịch Hội tự hào: Trở về sau chiến tranh, nhiều CCB trên thân thể còn mang vết thương đạn bom; bị nhiễm chất độc hoá học, sức khỏe yếu, nhưng chưa bao giờ chúng tôi lùi bước trước gian khó. Từng người luôn tiên phong, gương mẫu trong tất cả các phong trào thi đua yêu nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin