Là địa phương từng được những người bạn Hàn Quốc “chọn mặt gửi vàng” khi đầu tư triển khai mô hình làng Saemaul - Undong từ những năm 2000 với mục tiêu tạo lập tư duy cần cù, chung sức, sáng tạo cho người nông dân, những năm qua, diện mạo nông thôn mới (NTM) ở xã La Bằng (Đại Từ) có nhiều đổi thay rõ rệt.
Hoạt động ngoại khóa của các em học sinh Trường Tiểu học La Bằng. |
Rừng Vần là xóm có số dân đông nhất của xã La Bằng với trên 170 hộ dân, khoảng 600 nhân khẩu. Đây cũng là xóm được tỉnh Gyeongsangbuk-do (Hàn Quốc) trực tiếp xây dựng mô hình Saemaul Undong với nhiều hạng mục, công trình điện, đường, trường, trạm.
Nhà văn hóa xóm Rừng Vần là một trong những công trình được tài trợ xây dựng từ năm 2005 với tổng mức đầu tư lên tới 115.000USD. Công trình có tổng diện tích hơn 300m2, gồm: Phòng họp, phòng trưng bày, văn phòng, phòng phát thanh, phòng thay đồ, nhà vệ sinh và nhà kho. Nằm trong khuôn viên rộng rãi 10.000m2, nhà văn hóa có kiến trúc đẹp, độc đáo, là niềm tự hào của người dân xóm Rừng Vần.
Ông Trần Văn Thắng, Trưởng xóm Rừng Vần, cho biết: Dù được xây dựng đã lâu, song Nhà văn hóa vẫn đảm bảo tiêu chí NTM hiện hành. Đây là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong xóm. Trân trọng món quà từ nước bạn, chúng tôi thường xuyên quét dọn, giữ gìn các hạng mục, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Ngoài Nhà văn hóa, tỉnh bạn còn tài trợ cho xóm cải tạo 4km đường điện; 0,5km kênh mương nội đồng; 500 tấn xi măng để bê tông hóa 5km đường giao thông nông thôn...
Nhà văn hóa xóm Rừng Vần (La Bằng). |
Không riêng xóm Rừng Vần, nhiều công trình khác của xã cũng được quan tâm đầu tư. Để đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh, đầu năm 2006, tỉnh Gyeongsangbuk-do đã tài trợ xây dựng một nhà lớp học 2 tầng, 10 phòng học cho Trường Tiểu học La Bằng.
Cho đến thời điểm này, đây là nơi học tập thường xuyên của gần 70% tổng số học sinh của toàn Trường. Ngoài các lớp học, Nhà trường còn được đầu tư một phòng máy vi tính và được trang bị 12 bộ máy vi tính.
Cô Phan Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Bằng, cho biết: Trường học được khang trang như hôm nay có một phần rất lớn từ sự hỗ trợ của tỉnh bạn. Hàng năm, Nhà trường sơn sửa, cải tạo, trang trí để làm sinh động không gian học tập, trải nghiệm cho các em. Đối với các em học sinh đầu cấp, chúng tôi giới thiệu về lịch sử công trình, về tình hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc, tạo cho các em ý thức gìn giữ, thêm yêu trường, lớp.
Ngoài các công trình nói trên, giai đoạn 2005-2008, xã La Bằng còn được nước bạn tài trợ nhà làm việc 2 tầng của Trạm Y tế xã, đầu tư máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Trong thời gian này, tỉnh Gyeongsangbuk-do và hội Saemaul Undong đã tổ chức các đoàn công tác gồm các bác sĩ, nhân viên y tế và các tình nguyện viên đến La Bằng khám chữa bệnh cho nhân dân trong xã, sơn sửa Trạm Y tế, trường học, nhà văn hoá… Đồng thời, 3 lần tổ chức cho đoàn cán bộ, nhân dân xã La Bằng sang Hàn Quốc tham quan, học tập.
Chủ tịch UBND xã La Bằng Triệu Văn Đông cho biết: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã La Bằng luôn trân trọng, biết ơn tình cảm, tình đoàn kết giữa hai nước. Sau khi mô hình được triển khai, không chỉ diện mạo hạ tầng có sự thay đổi mà nhận thức của người dân cũng có nhiều chuyển biến rõ nét. Người dân được mở mang nhận thức về xây dựng NTM, được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chúng tôi đã nỗ lực học hỏi, áp dụng vào phong trào Xây dựng NTM của xã, phấn đấu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, thông tin: Những công trình được xây dựng đã tác động đến tư tưởng, làm thay đổi tư duy, chuyển biến nhận nhức của người dân. Từ đây, người dân thấy được vai trò của sự đoàn kết, tính cần cù trong phát triển kinh tế, chủ động, tích cực trong xây dựng NTM. Ngoài các công trình NTM được hỗ trợ tại xã La Bằng, trong lĩnh vực giáo dục, gần đây, thông qua Trung tâm Giao lưu Văn hóa Việt -Hàn (KCCC), Tập đoàn Vatech Networks Hàn Quốc tài trợ toàn bộ kinh phí 200.000USD xây dựng Trung tâm Văn hóa Giáo dục DREAM SEED tại xã Tân Thái…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin