Khơi nguồn ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ

Thu Hà (Trung tâm Thông tin tỉnh) 15:13, 28/03/2023

Khởi nghiệp vốn là quá trình khó khăn cho những ai muốn dấn thân. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã khởi nghiệp thành công nhờ sự nỗ lực của bản thân, sự ủng hộ của gia đình và sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN).

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trao giải Ba phụ nữ khởi nghiệp năm 2022 cho Hợp tác xã Chè Cao Sơn, TP. Sông Công.
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trao giải Ba phụ nữ khởi nghiệp năm 2022 cho Hợp tác xã Chè Cao Sơn, TP. Sông Công.

Mô hình sản xuất viên nén mùn cưa, vỏ bào, rơm rạ (chất đốt cho môi trường xanh) của chị Nguyễn Thị Thanh Phương ở xóm Trại, xã Kha Sơn (Phú Bình), là một ví dụ. Đạt giải Ý tưởng khởi nghiệp năm 2020 của Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên, đồng thời đạt giải thưởng Ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng bảo vệ môi trường của Hội LHPN Việt Nam, chị Phương đã được Trung ương Hội Phụ nữ đầu tư 100 triệu đồng.

Từ số tiền đó, cộng với tiền tích lũy sau vài năm khởi nghiệp, chị Phương mở rộng thêm 2 dây chuyền sản xuất, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho 7-8 lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn. Chị Phương chia sẻ, vợ chồng chị khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng nên những ngày đầu rất chật vật, nếu không có sự ủng hộ giúp đỡ của gia đình, các tổ chức đoàn thể thì không thể thành quả như vậy.

Mô hình sản xuất, kinh doanh dầu lạc của Hợp tác xã Nông nghiệp Quang Hà (thị trấn Hương Sơn, Phú Bình) do chị Dương Thị Hà làm chủ. Sau nhiều thất bại khi chưa lựa chọn được công nghệ, máy móc phù hợp, chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường thì hiện nay, sản phẩm dầu lạc Phát Lộc của Hợp tác xã đã có “tên tuổi” trên địa bàn huyện Phú Bình và được phân phối ở nhiều tỉnh lân cận. Sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP 3 sao năm 2021, đoạt giải 3 cuộc thi Ý tưởng phụ nữ khởi sự sản xuất, kinh doanh năm 2021.

Để có được kết quả này, ngoài sự kiên trì, chịu khó học hỏi của chị Hà và các thành viên trong HTX còn có sự hỗ trợ đắc lực của Hội LHPN huyện Phú Bình trong việc quảng bá sản phẩm trên các kênh thông tin của Hội.

Mô hình sản xuất cơm cháy từ gạo nếp Vải của chị Nguyễn Xuân Huế ở xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, đoạt giải Nhì cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp tỉnh năm 2022, mới đưa vào thị trường nhưng đã rất “được lòng” người tiêu dùng. Vì dễ làm, lại được sử dụng từ chính sản phẩm gạo nếp Vải là đặc sản của vùng đất Ôn Lương nên chị Huế sẵn lòng chia sẻ, hướng dẫn cách làm cho chị em trong xóm để nhiều người cùng tham gia.

Mô hình làm cơm cháy từ gạo nép Vải của chị Nguyễn Xuân Huế ở xã Ôn Lương, huyện Phú Lương.
Mô hình làm cơm cháy từ gạo nép Vải của chị Nguyễn Xuân Huế ở xã Ôn Lương, huyện Phú Lương.

Ở chiều ngược lại, chị em phụ nữ rất tích cực quảng bá cho sản phẩm cơm cháy trên các trang Zalo, Facebook của mình và của Chi hội Phụ nữ. Ngoài ra, Hội LHPN huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi giúp chị Huế đem sản phẩm cơm cháy cùng gạo nếp Vải Ôn Lương đi tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá và bán sản phẩm…

Đó chỉ là 3 trong số rất nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo của phụ nữ tỉnh trong thời gian qua. Được triển khai từ năm 2018, Phụ nữ khởi nghiệp là một trong những chương trình lớn của Hội LHPN tỉnh nhận được sự hưởng ứng của đông đảo hội viên.

Qua 4 năm triển khai, phong trào Phụ nữ khởi nghiệp đã thu hút gần 400 ý tưởng. Riêng năm 2022, cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức đã thu hút 72 ý tưởng. Các ý tưởng thuộc lĩnh vực nông nghiệp bền vững, chế biến nông sản, thực phẩm; kinh doanh dịch vụ, sản xuất công nghiệp… Ban Tổ chức đã chọn 6 ý tưởng vào vòng Chung kết và trao giải.

Dù hầu hết các ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ ở quy mô nhỏ và trung bình, nhưng đều là những mô hình sáng tạo, làm ra những sản phẩm hữu ích cho cuộc sống từ nguyên liệu đơn giản, gần gũi với cuộc sống hàng ngày, thân thiện với môi trường. Hơn thế nữa, còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các hội viên phụ nữ, trong đó có nhiều phụ nữ hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội; góp phần lan tỏa ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Phong trào không những góp phần tạo môi trường cho phụ nữ tham gia khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích phụ nữ mọi vùng miền nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, khẳng định năng lực và vai trò của bản thân mà còn đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để giúp các mô hình khởi nghiệp đạt được hiệu quả thiết thực, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ cho vay vốn; mời hội viên tham gia các khóa tập huấn của tỉnh, của Trung ương về khởi nghiệp; chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn xây dựng kế hoạch kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, hỗ trợ thủ tục thành lập hợp tác xã cho chủ các mô hình, đề tài, dự án khởi nghiệp.

Một số sản phẩm của các mô hình khởi nghiệp được các cấp hội hỗ trợ quảng bá, tạo điều kiện để chị em bán và giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm của Trung ương, của tỉnh, các phiên chợ giới thiệu hàng nông sản của Hội LHPN tỉnh được tổ chức hằng tháng và tại 19 cửa hàng nông sản sạch tại các huyện, thành phố, thị xã…

Chị Phạm Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Trong năm 2023, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp hội vận động, hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp thành lập doanh nghiệp, HTX; hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị; nâng cao năng lực cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh; hỗ trợ phụ nữ kết nối, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối phù hợp với nhu cầu thị trường. Hội sẽ đẩy mạnh kết nối nguồn lực, gắn kết hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy các hoạt động kết nối đầu tư, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho các mô hình khởi nghiệp hiện có.