Giáo viên nghỉ hè và nỗi lo “cơm áo, gạo tiền”

Nhị Hà 18:43, 09/07/2023

Nhắc đến giáo viên, nhiều người cho rằng nghề này có phần nhàn nhã vì được nghỉ hè một khoảng thời gian khá dài, như vậy sẽ có điều kiện tốt hơn để chăm sóc gia đình và làm các công việc khác. Thực tế không hẳn như vậy, có những giáo viên lại sợ… nghỉ hè, nhất là với giáo viên hợp đồng, vì phải lo chuyện “cơm áo, gạo tiền”.

Thầy giáo Hà Mạnh Hùng vừa thi đỗ trong kỳ tuyển viên chức ngành Giáo dục và được nhận quyết định về giảng dạy tại Trường PTDT bán trú THCS Liên Minh (Võ Nhai) từ năm học tới.
Thầy giáo Hà Mạnh Hùng vừa thi đỗ trong kỳ tuyển viên chức ngành Giáo dục và được nhận quyết định về giảng dạy tại Trường PTDT bán trú THCS Liên Minh (Võ Nhai) từ năm học tới.

Nghỉ hè không lương

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có khá nhiều giáo viên ngoài biên chế. Trong số này, phần lớn thuộc diện hợp đồng thuê khoán được trả lương từ ngân sách và một số trường hợp ký hợp đồng với nhà trường để dạy các môn học tự chọn. Điểm chung của các giáo viên hợp đồng là không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc tính lương theo số tiết dạy nên trong những tháng nghỉ hè sẽ không có lương.

Trải qua nhiều năm công tác, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, dạy bộ môn Tin học tại Trường Tiểu học số 1 Hóa Thượng (Đồng Hỷ) là người rất thấm thía nỗi lo mỗi khi hè về. Chính thức bước vào nghề “gõ đầu trẻ” từ năm 2007, chị Hạnh ký hợp đồng với Nhà trường để dạy Tin học là môn tự chọn, với mức lương thỏa thuận. Từ năm học 2022-2023, Tin học trở thành môn bắt buộc đối với khối lớp 3 nên chị được hưởng lương từ ngân sách, còn với khối lớp 4 và 5 vẫn tiếp tục là môn tự chọn, chị nhận lương theo thỏa thuận. Đảm nhận cả 3 khối lớp, mỗi tháng, dạy tổng cộng chừng 90 tiết, chị nhận mức lương hơn 5 triệu đồng, khéo tằn tiện, thu vén thì cũng tạm đủ cho sinh hoạt gia đình.

Chị Hạnh tâm sự: Dịp nghỉ hè không có lương, giáo viên hợp đồng chúng tôi phải làm nhiều công việc khác để có thu nhập bù vào. Giờ tôi cũng đã có tuổi, thời gian nghỉ hè chỉ hơn 2 tháng nên tìm việc thời vụ không dễ.

Tương tự, cô giáo Hoàng Thị Nhung đã dạy hợp đồng tại Trường Mầm non Động Đạt (Phú Lương) được một thời gian khá dài. Mức thu nhập 4,9 triệu đồng/tháng và chỉ được hưởng lương 10 tháng mỗi năm, nghỉ thai sản không được hỗ trợ, không được đóng bảo hiểm xã hội… là những thiệt thòi không nhỏ đối với chị. Chị Nhung bảo: Hàng hóa và các dịch vụ cái gì cũng tăng giá, chỉ lương giáo viên hợp đồng là không tăng theo thâm niên công tác. Hè đến, nhiều người được nghỉ ngơi hoặc lên kế hoạch cho các chuyến du lịch sau một năm học nhiều áp lực, còn chúng tôi thì lo tìm một công việc gì đó để bù đắp cho khoản thu nhập trong 2 tháng hè do không có lương...

Không đủ kiên nhẫn theo nghề

Đối với hầu hết các giáo viên hợp đồng, việc làm thêm một công việc phụ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống là khá phổ biến. 

Thầy giáo Trần Xuân Lượng, từng công tác tại Trường Tiểu học số 1 Linh Sơn (Đồng Hỷ) là một ví dụ. Vốn học chuyên ngành Tin học, anh Lượng tranh thủ mở một cơ sở nho nhỏ để sửa chữa và cài đặt phần mềm máy vi tính, đổ mực in hay lắp đặt thiết bị camera. Dịp hè không phải đi dạy học thì anh dành toàn bộ thời gian làm thêm, công việc phụ lại trở thành nguồn thu nhập chính. 

Anh Lượng chia sẻ: Chúng tôi đã thành lập một nhóm giáo viên Tin học trên mạng xã hội để thuận lợi chia sẻ chuyên môn, nghiệp vụ và hỗ trợ nhau trong việc làm thêm nên thu nhập cũng tạm ổn... Trong đợt thi tuyển công chức vừa qua, anh Lượng không đủ điều kiện về bằng cấp để nộp hồ sơ nên đã quyết định không theo nghề dạy học nữa, mà chuyển sang công việc khác.

Thầy giáo Trần Thành Trung từng hơn chục năm dạy học tại Trường Tiểu học số 1 Nam Hòa (Đồng Hỷ) và Trường Tiểu học Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên) cũng vừa quyết định không tiếp tục theo nghề dạy học để vào làm việc tại Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ. Anh Trung tâm sự: Vì lòng yêu nghề, mến trẻ nên tôi luôn cố gắng trau dồi kiến thức, nghiệp vụ để hoàn thành tốt công việc. Giờ từ bỏ nghề dạy học sau bao năm gắn bó, bản thân tôi cảm thấy rất tiếc nhưng vì cuộc sống nên không còn lựa chọn nào khác…

Với những trường hợp giáo viên đang cố gắng bám trụ với nghề, niềm vui lớn nhất chính là việc thi đỗ trong kỳ tuyển viên chức ngành Giáo dục vừa được tổ chức. Anh Hà Mạnh Hùng, giáo viên hợp đồng tại Trường THCS Quang Sơn (Đồng Hỷ) phấn khởi chia sẻ: Tôi mới thi đỗ và được nhận quyết định về dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Liên Minh (Võ Nhai). Tuy trường cách xa nhà hơn 30km, lại đến tháng 8 tới tôi mới được nhận lương nhưng như thế cũng là may mắn hơn rất nhiều so với nhiều đồng nghiệp khác. Từ năm học tới, bản thân tôi không còn phải lo lắng về chuyện lương mỗi dịp hè nữa, có thể yên tâm dành trọn tâm huyết với nghề dạy học...

Năm học 2022-2023, số biên chế sự nghiệp giáo dục cần tuyển dụng của tỉnh Thái Nguyên là 1.354 người. Sở Nội vụ đã tham mưu với UBND tỉnh, phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo và UBND cấp huyện tiến hành rà soát, xác định cơ cấu giáo viên còn thiếu để tổ chức thi tuyển bổ sung. Kết quả đã có 1.309 thí sinh trúng tuyển. Tính đến cuối tháng 5-2023, toàn tỉnh còn trên 1.200 định mức khoán hợp đồng chưa thực hiện trong ngành Giáo dục, với kinh phí trên 6,7 tỷ đồng.



Thời trang vest công sở đẹp, nhiều mẫu mã. áo đồng phục màu cam nổi bật