Sảng Mộc (Võ Nhai) là một trong những xã khó khăn nhất trên địa bàn tỉnh, bởi địa hình bị chia cắt, trình độ dân trí không đồng đều, mức sống của người dân còn thấp, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin chưa đồng bộ… Mặc dù vậy, những chuyển biến tích cực về chuyển đổi số (CĐS) trong hơn 2 năm qua tại xã vùng cao Sảng Mộc đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con nhân dân nơi đây.
Cán bộ xã Sảng Mộc sử dụng các hệ thống thông tin nền tảng, dùng chung của tỉnh trong công việc. |
Ông Mai Duy Yến, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc, chia sẻ: Sảng Mộc là xã thuộc vùng sâu nhất của Võ Nhai, cách trung tâm huyện tới gần 60km. Dân số của xã vỏn vẹn gần 3.000 người, với hơn 700 hộ, trong đó 98% là đồng bào các dân tộc thiểu số. Bắt tay vào triển khai Chương trình CĐS từ cuối năm 2020, Sảng Mộc còn rất nhiều khó khăn về hạ tầng số. Các xóm hầu như không có sóng di động, hệ thống Internet ở khu vực trung tâm kém do đường truyền được lắp đặt từ lâu, đã xuống cấp...
Xác định hạ tầng số là điều kiện tiên quyết để thực hiện CĐS, xã Sảng Mộc đã tranh thủ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ, thông qua Sở Thông tin và Truyền thông, UBND huyện để đầu tư xây dựng các công trình. Xã cũng chủ động tìm nguồn hỗ trợ qua các chương trình, dự án trên địa bàn, để đầu tư phát triển hạ tầng số.
Kết quả, chỉ sau hơn 2 năm, toàn xã đã có hàng chục km cáp quang được đầu tư để mở rộng độ phủ sóng Internet. Trong đó, xã được triển khai 8km đường truyền cáp quang từ Trạm VNPT Thái Nguyên tại UBND xã đến Điểm trường Tiên Sơn, cung cấp Internet miễn phí cho điểm trường và các xóm Phú Cốc, Nà Ka, Khuổi Mèo...
Theo thống kê, hiện nay, 8/8 xóm tại xã Sảng Mộc đã được kết nối Internet băng thông rộng, trong đó, 5/8 xóm được cung cấp dịch vụ Internet băng rộng di động (3G, 4G); tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt trên 70%.
Các cơ quan, đơn vị, UBND xã có 25 máy tính kết nối Internet băng thông rộng (không tính các cơ quan trường học, trạm y tế). UBND xã cũng được trang bị 1 đường truyền số liệu chuyên dùng, 1 đường truyền kết nối hội nghị trực tuyến; 100% cán bộ, công chức cấp xã đều có máy tính kết nối mạng Internet phục vụ giải quyết công việc…
Người dân xóm Bản Chương, xã Sảng Mộc, sử dụng dịch vụ IPTV của VNPT để xem truyền hình quốc gia. |
Nhà tài trợ Mobifone cũng đã hoàn thành lắp đặt, vận hành 5 hệ thống loa truyền thanh thông minh từ UBND xã và các xóm: Tiên Sơn, Khuổi Uốn, Nà Lay, Bản Chương. Đồng thời, trang bị máy tính thế hệ mới vận hành hệ thống loa thông minh, kết nối với cơ quan truyền thông của huyện Võ Nhai. Trạm Y tế xã Sảng Mộc được được triển khai lắp đặt thiết bị hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (TeleHealth) vận hành hiệu quả…
Tại Khuổi Mèo, xóm có 100% các hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống, cách trụ sở UBND xã tới 7km, gần 2 năm trở lại đây, đời sống của người dân đã có nhiều đổi thay. Hiện nay, 80% các hộ trong xóm đã có điện thoại di động thông minh, 100% học sinh được tiếp cận với Internet…
Anh Vương Văn Hình, Trưởng xóm Khuổi Mèo, chia sẻ: Internet giúp học sinh trong xóm tiếp cận với thế giới thông tin qua các bài giảng trực tuyến. Riêng tôi, Internet giúp tôi tiếp nhận trực tuyến các văn bản về chế độ, chính sách để tuyên truyền, phổ biến cho bà con một cách dễ dàng, thay vì phải thường xuyên đến UBND xã như trước đây.
Còn anh Nguyễn Văn Lâm, Trưởng xóm Bản Chương, nói: Ở Bản Chương, gần 100% hộ dân trong xóm được kết nối Internet, trong đó, 30% số hộ được kết nối Internet cáp quang băng thông rộng cố định. Ngoài ra, dịch vụ truyền hình Internet cũng phát triển phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, giải trí của bà con.
Theo thống kê của UBND xã Sảng Mộc, đến nay, địa phương có 12% người dân có tài khoản thanh toán điện tử; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông mình đạt 65%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Intrenet băng rộng cáp quang là 10%...
Theo Chủ tịch UBND xã Mai Duy Yến: Tại cơ quan UBND xã, 100% văn bản được gửi - nhận trên hệ thống quản lý văn bản; 100% cán bộ đã sử dụng chữ ký số. Các hệ thống thông tin nền tảng, dùng chung của tỉnh, như: Quản lý văn bản và điều hành, dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử, cổng thông tin điện tử, thư điện tử công vụ… được khai thác, sử dụng có hiệu quả. Thông qua đó góp phần thiết thực phục vụ công tác của cán bộ và đời sống của người dân vùng cao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin