Giấy chứng tử là loại giấy tờ hộ tịch cần thiết trong thực hiện các giao dịch về thừa kế. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn TP. Thái Nguyên có nhiều trường hợp người chết từ lâu người thân không còn giấy chứng tử, chính quyền địa phương bị mất sổ hộ tịch nên không thể cấp lại. Điều này đã và đang khiến cho việc thực hiện các giao dịch về thừa kế gặp khó khăn, vướng mắc.
Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên - ảnh minh hoạ. |
Nhiều ngày qua, ông Phạm Văn Tuấn ở phường Cam Giá không thể nộp hồ sơ thừa kế tại văn phòng công chứng để phân chia di sản chỉ vì thiếu giấy chứng tử của bố vợ.
Ông Tuấn cho hay: Vợ tôi trước khi chết không lập di chúc nên theo pháp luật, bố, mẹ đẻ của vợ cũng được hưởng một phần di sản nếu còn sống. Vì bố vợ đã chết nên sẽ không được hưởng di sản và tôi phải bổ sung giấy chứng tử của ông vào hồ sơ. Tuy nhiên, do bố vợ tôi chết đã hơn 30 năm nên không còn giấy chứng tử. Chúng tôi ra phường đề nghị cấp trích lục khai tử nhưng cán bộ tư pháp từ chối vì phường X. mất sổ hộ tịch vào năm đó. Kể từ đó, tôi không thể tiếp tục làm thủ tục thừa kế theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế, có không ít trường hợp giống như gia đình ông Tuấn, nên không thể chia thừa kế. Nguyên nhân được xác định do một bộ phận người dân chưa nhận thức được hết giá trị pháp lý của giấy chứng tử trong việc phân chia di sản, nên không bảo quản, lưu giữ cẩn thận.
Trong khi đó, công tác lưu trữ, quản lý hồ sơ của chính quyền cấp xã nhiều năm trước chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên dễ thất lạc. Vướng mắc này đang khiến nhiều người dân loay hoay, mất nhiều thời gian đi làm các thủ tục thừa kế.
Qua tìm hiểu tại một số xã, phường trên địa bàn TP. Thái Nguyên, chúng tôi được biết, quy định về cấp lại giấy chứng tử cho người đã chết từ lâu và không còn giữ các giấy tờ chứng minh sự kiện còn nhiều hạn chế, bất cập.
Để tháo gỡ vướng mắc này, ngày 2/12/2020, Bộ Tư pháp mới chỉ có văn bản số 1195/HTQTCT-HT hướng dẫn về cách xác định các loại giấy tờ chứng minh sự kiện chết (hồ sơ, lý lịch cá nhân đi học, đi làm do cơ quan, đơn vị học tập, công tác quản lý, xác nhận, biên bản xác minh tai nạn, giấy chứng nhận mai táng, hợp đồng hỏa táng, văn bản xác nhận của chính quyền, công an địa phương…).
Tuy nhiên, nếu dựa vào hướng dẫn trên, trong trường hợp cán bộ không thể xác minh được tính xác thực của các loại giấy tờ trên thì cũng sẽ không thể cấp giấy chứng tử cho người đã chết.
Trước thực tiễn còn nhiều bất cập này, theo đại diện nhiều chính quyền địa phương thì Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn nên bổ sung thêm quy định trong trường hợp cán bộ tư pháp không xác minh được tính xác thực của các giấy tờ chứng minh sự kiện chết thì có thể cho người yêu cầu đăng ký cấp giấy chứng tử làm văn bản cam kết, coi đây là căn cứ pháp lý để cấp giấy chứng tử cho người đã chết.
Mỗi người dân cần nâng cao hơn ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ các quy định về khai tử khi người thân qua đời; tự lưu giữ giấy tờ này để bảo đảm quyền lợi của chính mình khi phát sinh các giao dịch về thừa kế.
(Tên nhân vật trong bài viết đã được đổi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin