Lương Phú hiện là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện Phú Bình, với 15 hộ. Để có được kết quả này, thời gian qua, địa phương đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chung tay giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.
Nhờ phát triển chăn nuôi, đến nay gia đình anh Nguyễn Văn Tấn, ở xóm Phú Lương, xã Lương Phú (Phú Bình) đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. |
Bà Vũ Thị Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Phú, cho biết: Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm, xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với các xóm tích cực tuyên truyền, vận động nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ các hộ nghèo bằng nhiều hình thức; tạo mọi điều kiện để hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho người dân...
Ví như hộ anh Nguyễn Văn Tấn, ở xóm Phú Lương, nhờ sự hỗ trợ của các cấp, ngành, gia đình anh đã thoát nghèo từ hơn 2 năm nay và có cuộc sống ổn định. Anh Tấn chia sẻ: Trước đây, vợ chồng tôi đều không có công việc ổn định, trong khi 2 con nhỏ đang tuổi ăn học, nên kinh tế rất khó khăn. Năm 2016, tôi được tạo điều kiện vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để phát triển kinh tế. Với số tiền này, tôi đã mua 2 con bò về nuôi. Sau khi bò sinh sản, mỗi năm gia đình tôi bán được 1 con và có thu nhập trên 10 triệu đồng. Đến nay, sau khi trả hết số tiền vay ngân hàng, tôi vẫn duy trì nuôi bò.
Năm 2021, gia đình anh Tấn tiếp tục được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng vốn dành cho hộ mới thoát nghèo từ Ngân hàng CSXH để đầu tư nuôi gà chọi. Bên cạnh đó, vợ anh xin vào làm việc tại Khu công nghiệp Điềm Thụy với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng. Kinh tế gia đình đã bớt khó khăn hơn trước rất nhiều.
Không chỉ gia đình anh Tấn, thời gian qua, nhiều hộ nghèo ở xã Lương Phú đã được các tổ chức đoàn thể đứng ra tín chấp với Ngân hàng CSXH để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế. Tính đến tháng 9-2023, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH trên địa bàn xã Lương Phú là trên 16,5 tỷ đồng, cho 505 hộ vay. Trong đó vốn vay hộ nghèo là trên 580 triệu đồng, hộ cận nghèo 600 triệu đồng.
Cùng với hỗ trợ hộ nghèo về vốn vay ưu đãi, xã Lương Phú còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện Phú Bình rà soát hộ nghèo khó khăn về nhà ở để có phương án hỗ trợ kịp thời. Từ năm 2018 đến nay, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, địa phương còn kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để xây dựng nhà Đại đoàn kết cho 2 hộ nghèo. Qua đó góp phần nâng tổng số hộ trong xã có nhà ở kiên cố, bán kiên cố (theo tiêu chí của Bộ Xây dựng) lên 1.160/1.187 hộ (đạt tỷ lệ 97,73%). Xã hiện không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Xã cũng chủ động triển khai thực hiện các dự án, mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp có thế mạnh của địa phương, như: Xây dựng cánh đồng một giống lúa (J02) theo chuỗi liên kết, canh tác lúa theo phương pháp SRI… Qua đó tạo điều kiện cho người nghèo còn khả năng lao động tham gia sản xuất để có thêm thu nhập. Địa phương cũng đứng ra kết nối với một số doanh nghiệp để giúp người dân tham gia làm việc tại các nhà máy trong khu công nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống…
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, cùng sự chung tay, góp sức của cộng đồng, đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở xã Lương Phú giảm còn 1,62% (giảm 4,2% so với năm 2016), hộ cận nghèo giảm còn 0,42% (giảm 3% so với năm 2016); thu nhập bình quân của bà con nhân dân đạt 75 triệu đồng/người/năm (tăng 17 triệu đồng so với năm 2022).
Theo tiêu chí nghèo đa chiều trong xây dựng nông thôn mới nâng cao (tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 8%), xã Lương Phú đã hoàn thành. Đây chính là điều kiện để Lương Phú "về đích" nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin