Là tỉnh phát triển công nghiệp, Bình Dương đã thu hút gần 70 nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, cùng hơn 1 triệu lao động ngoại tỉnh. Với số lượng dân cư đông và doanh nghiệp nhiều, thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã tập trung cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số nhằm phục vụ tốt yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm điều hành thông minh thành phố Thủ Dầu Một. |
Tư duy làm hết việc, không làm hết giờ
Tại Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, quầy tiếp nhận hồ sơ của Sở Kế hoạch và Đầu tư mỗi ngày tiếp nhận hàng chục bộ hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đầu tư, kinh doanh... nộp vào cần giải quyết. Tuy công việc nhiều và biên chế có giới hạn nhưng với sự nỗ lực hết mình và tư duy “làm hết việc, không làm hết giờ”, cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thực hiện tốt chức trách của mình để giúp người dân, doanh nghiệp hoàn thành những hồ sơ cần thiết.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của Sở Kế hoạch và Đầu tư cao nhất trong 10 sở, ngành của tỉnh với 19.033 hồ sơ/người/năm, cao gấp 11,87 lần so với mục tiêu quy định theo Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3287/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh (tối thiểu đạt 1.600 hồ sơ/người/năm).
Phường Dĩ An (thành phố Dĩ An) của tỉnh Bình Dương giáp thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) có lợi thế phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại, dịch vụ với tổng dân số lên đến 85.664 người. Vì dân cư đông nên áp lực công việc rất lớn, khối lượng đầu việc nhiều, số lượng người dân đến Ủy ban nhân dân phường thực hiện giao dịch hành chính bình quân hàng ngày hơn 100 lượt người dân, số lượng thủ tục hành chính hằng ngày mà cán bộ phải xử lý từ 150-200 thủ tục liên quan đến lĩnh vực tư pháp, hộ tịch, đất đai, xây dựng...
Chỉ với 22 cán bộ, công chức, phường Dĩ An ứng dụng triệt để việc thực hiện số hóa thủ tục hành chính, hướng dẫn người dân thực hiện giao dịch trực tuyến một phần và toàn phần trên cổng thông tin mạng; đồng thời cập nhật dữ liệu, xử lý quy trình giải quyết hồ sơ trên phần mềm một cửa... Nhờ đó, việc giải quyết thủ tục hành chính hằng ngày của phường được trôi chảy, tạo sự hài lòng cho người dân và các tổ chức.
Bình quân mỗi tháng, Trung tâm hành chính huyện Bàu Bàng tiếp nhận và giải quyết hơn 4.500 hồ sơ các loại của người dân, doanh nghiệp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bàu Bàng Võ Thành Giàu cho biết, nhằm giải quyết hồ sơ kịp thời, 100% cán bộ, công chức, viên chức của huyện đều có thể truy cập internet để tra cứu thông tin và xử lý, trao đổi công việc hằng ngày.
100% cơ quan tại huyện có hệ thống mạng nội bộ chia sẻ dữ liệu thông tin, dữ liệu; các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức đều được cấp hộp thư công vụ để trao đổi công việc; cùng với việc từng bước đơn giản hóa các thủ tục hành chính đã giúp giải quyết nhanh và tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp khi đến huyện giải quyết công việc.
Ứng dụng giải pháp thông minh
Đầu tháng 12/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Dầu Một đã đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành thông minh thành phố Thủ Dầu Một (IOC Thủ Dầu Một). Đây là một hệ thống công nghệ thông tin bao gồm cơ sở hạ tầng, phần cứng, phần mềm có chức năng thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị và xử lý, phân tích cho kết quả đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị của thành phố và kết nối với IOC của tỉnh.
Hệ thống này với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có còn phục vụ tốt việc hành chính công; thông tin du lịch; an ninh trật tự, an toàn giao thông; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân; công khai thông tin quy hoạch; giám sát chất lượng môi trường; giám sát hoạt động công nghiệp; giám sát tài nguyên, môi trường; thông tin lĩnh vực y tế, giáo dục, cung cầu lao động, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, chỉ số tiêu dùng, cung cầu hàng hóa và mặt hàng thiết yếu…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Dầu Một Nguyễn Thu Cúc chia sẻ, việc đưa Trung tâm điều hành thông minh đi vào hoạt động là hiện thực hóa việc cải cách hành chính theo hướng đồng bộ, phù hợp với mục tiêu phát triển thành phố thông minh theo định hướng chung của tỉnh và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Các sở, ngành, địa phương tại tỉnh tăng tốc đẩy mạnh chuyển đổi số, chính thức triển khai thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Tỉnh đã đưa vào vận hành Trung tâm giám sát, điều hành thông minh của tỉnh (IOC) nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; 100% số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của 3 cấp chính quyền được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm hành chính công và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả của cấp huyện, cấp xã.
Những nỗ lực phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp tại Bình Dương để lại nhiều dấu ấn đậm nét về sự hài lòng của người dân, tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành hoạt động của chính quyền các cấp, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Khó khăn lớn nhất của Bình Dương hiện nay là tình trạng thiếu nhân lực tại các cơ quan hành chính. Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế-xã hội cao, quá trình đô thị hóa nhanh và có nhiều khu, cụm công nghiệp, tỉnh đã thu hút hơn 1 triệu lao động ngoài tỉnh đến sinh sống và làm việc nên việc gia tăng dân số cơ học nhanh.
Do biên chế công chức của tỉnh được giao quá thấp không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ (thấp thứ 52/63 tỉnh, thành phố; thấp nhất so với các tỉnh phát triển công nghiệp trọng điểm phía nam) nên hầu hết các cơ quan, tổ chức đều có nhu cầu phải bổ sung biên chế.
Do khối lượng, yêu cầu công việc ngày càng cao trong khi biên chế được giao thấp đã tạo áp lực lớn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều trường hợp cán bộ, công chức phải làm việc ngoài giờ hành chính, làm thêm giờ để hoàn thành tiến độ theo yêu cầu, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng công việc. Cũng vì áp lực này mà nhiều trường hợp bỏ việc, thôi việc.
Trước vấn đề này, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương kiến nghị cần có cơ chế đặc thù cho các địa phương có đóng góp nhiều cho ngân sách trung ương vì các địa phương này đều có tốc độ phát triển kinh tế-xã hội nhanh nhưng không bảo đảm nhân lực theo biên chế được giao. Đồng thời kiến nghị Trung ương rà soát, cân đối lại biên chế cho công chức giữa các địa phương để có sự điều chỉnh biên chế phù hợp, hài hòa nhằm bảo đảm cho các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhất là những địa phương đặc thù về tốc độ phát triển kinh tế-xã hội cao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin