Xác định trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có ý nghĩa quan trọng, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đồng thời tổ chức kiểm tra tại nhiều cơ quan, đơn vị; kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.
Đoàn kiểm tra của tỉnh kiểm tra công tác cải cách hành chính, thực thi công vụ tại TP. Thái Nguyên. |
Thực hiện Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 17/3/2023 về kiểm tra công vụ, năm 2023, UBND tỉnh đã thành lập 2 đoàn kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra đột xuất việc thi hành công vụ 226 cuộc tại các đơn vị, địa phương.
Trong đó, đoàn kiểm tra của tỉnh thực hiện 44 cuộc, các cơ quan tự kiểm tra hơn 180 cuộc. Qua kiểm tra đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với 13 đơn vị, địa phương; yêu cầu xử lý kỷ luật 1 công chức; yêu cầu báo cáo giải trình và khắc phục tồn tại, hạn chế đối với 6 đơn vị, địa phương; nhắc nhở lãnh đạo và công chức tại bộ phận một cửa đối với 23 đơn vị, địa phương.
Kết quả kiểm tra cho thấy, đa số các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; ban hành nội quy, quy chế làm việc; chấp hành đúng các quy định về thời gian làm việc, thực hiện tiếp công dân và đeo thẻ công chức đúng quy định.
Đội ngũ CBCCVC, người lao động có tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp nhiệt tình, cởi mở, tận tâm. Việc thi hành công vụ, giải quyết hồ sơ công việc phục vụ người dân, tổ chức cơ bản đảm bảo các quy định pháp luật, thời hạn giải quyết. Đa số người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ hành chính.
Tuy nhiên, đội ngũ CBCCVC một số cơ quan, nhất là cấp xã, trình độ chuyên môn, năng lực công tác còn hạn chế; đặc biệt là việc nắm bắt, cập nhật kiến thức pháp luật chuyên ngành. Từ đó xảy ra việc yêu cầu người dân, tổ chức cung cấp thành phần hồ sơ trái quy định, tham mưu không hết chức năng, nhiệm vụ, thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) không đúng quy trình…
Việc kiểm tra thực hiện công vụ chưa thường xuyên, có nơi còn mang tính hình thức. Lãnh đạo chính quyền, cấp ủy một số địa phương chưa quyết liệt, chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính, thi hành công vụ. Trang thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin, kỹ năng sử dụng thiết bị của đội ngũ CBCCVC còn nhiều hạn chế...
Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Đại Từ, thông tin: Phấn đấu mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2023 (trước 1 năm so với kế hoạch), thời gian qua, khối lượng công việc mà đội ngũ cán bộ, công chức huyện Đại Từ cần xử lý rất lớn, đòi hỏi trách nhiệm cao mới có thể đảm bảo tiến độ đề ra. Nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 21 cuộc kiểm tra đột xuất hoạt động công vụ tại các cơ quan, địa phương...
Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Việc kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ của người đứng đầu và CBCCVC nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, những bất cập trong việc thực hiện để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục. Qua kiểm tra, một số vụ, việc, hồ sơ, đơn kiến nghị của công dân nhiều năm được trưởng đoàn kiểm tra kết luận tại buổi kiểm tra, sau đó đã được địa phương xử lý dứt điểm.
Điển hình như: Việc công dân Bùi Thị Thanh, xóm Rừng Chùa, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên), chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2020; việc chặn đường giao thông của 1 hộ dân tại xóm Nam Sơn, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), kéo dài từ năm 2020; yêu cầu đơn vị đo đạc bản đồ trả cho người dân 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữ lại từ 2017 đến nay tại thị trấn Chợ Chu (Định Hóa); giải quyết việc chuyển mục đích sử dụng đất cho ông Trần Quang Toàn, tổ dân phố Hồng Thái, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ) từ năm 2014…
Nhằm phát huy những kết quả và kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong thực thi công vụ của đội ngũ CBCCVC, đồng thời tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực hơn trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của CBCCVC, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục tăng cường kiểm tra công vụ; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý để siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; điều động, chuyển đổi vị trí đối với các cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu công việc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức; thực hiện niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ tiếp nhận phản ánh về thực thi công vụ để người dân, tổ chức phản ánh, kiến nghị về việc thi hành công vụ của đội ngũ CBCCVC…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin